Phát huy giá trị ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm

Ngày 23-8, tại di tích Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.

Một số hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024) - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người dự thảo Luận cương Chính trị, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc ta. Ảnh: Hoàng Quyên

Một số hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024) - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người dự thảo Luận cương Chính trị, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc ta. Ảnh: Hoàng Quyên

Các đại biểu tham quan khu trưng bày. Ảnh: Hoàng Quyên

Các đại biểu tham quan khu trưng bày. Ảnh: Hoàng Quyên

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ mỗi người Việt Nam.

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, di sản mà đồng chí Trần Phú để lại cho đời sau đó lý tưởng cách mạng, ý chí chiến đấu, không ngừng vươn lên cùng khát vọng phát triển của đất nước.

Ngày nay, ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị - là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội, tổ chức trưng bày một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đồng chí Trần Phú.

Căn phòng 6m2 nằm trong ngôi biệt thự Pháp, nơi đồng chí Trần Phú từng sống và làm việc. Ảnh: Hoàng Quyên

Căn phòng 6m2 nằm trong ngôi biệt thự Pháp, nơi đồng chí Trần Phú từng sống và làm việc. Ảnh: Hoàng Quyên

Đóng góp ý kiến cho kế hoạch biến di tích nhà số 90 Thợ Nhuộm thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội nên nghiên cứu bổ sung trưng bày một số hiện vật về nét sinh hoạt của gia đình người Pháp từng sống ở biệt thự này để công chúng có được cái nhìn toàn diện về bối cảnh lịch sử, hiểu hơn những khó khăn mà các đồng chí lãnh tụ trải qua khi hoạt động cách mạng bí mật ngay trong lòng địch.

Một số hiện vật trưng bày tại di tích số 90 Thợ Nhuộm. Ảnh: Hoàng Quyên

Một số hiện vật trưng bày tại di tích số 90 Thợ Nhuộm. Ảnh: Hoàng Quyên

Đại diện Bảo tàng Hà Nội góp ý, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đang quản lý nhiều di tích lịch sử, cách mạng quan trọng. Để những di tích này phát huy giá trị hơn nữa, đơn vị cần phối hợp với những trường học, đơn vị trên địa bàn tăng cường các hoạt động giáo dục di sản, truyền thống. Bên cạnh đó, đơn vị nên phối hợp Sở Du lịch Hà Nội liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức những tour kết nối giữa các di tích như: Nhà tù Hỏa Lò - di tích số 90 Thợ Nhuộm - số 5D Hàm Long…

Giám đốc Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn chia sẻ, với giá trị lịch sử, cách mạng và kiến trúc của di tích, đơn vị đang từng bước lập kế hoạch xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch mới.

Trưng bày các hình ảnh về những di tích lịch sử, cách mạng của Hà Nội tại ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm. Ảnh: Hoàng Quyên

Trưng bày các hình ảnh về những di tích lịch sử, cách mạng của Hà Nội tại ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm. Ảnh: Hoàng Quyên

“Thời gian tới, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức lại không gian trưng bày, tăng cường trải nghiệm để ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, ông Nguyễn Doãn Văn bày tỏ.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-huy-gia-tri-ngoi-nha-so-90-tho-nhuom-675658.html