Phát huy giá trị tinh hoa văn hóa ẩm thực để thúc đẩy du lịch

Về với xứ Thanh, bên cạnh trải nghiệm danh lam thắng cảnh, những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, du khách còn được thưởng thức các món ăn ẩm thực vô cùng hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của mỗi vùng miền. Những năm qua, cũng nhờ nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực đã giúp ngành du lịch của tỉnh thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.

Du khách thưởng thức món ăn tại Khách sạn Bộ Xây dựng (TP Sầm Sơn).

Du khách thưởng thức món ăn tại Khách sạn Bộ Xây dựng (TP Sầm Sơn).

Từ nhiều năm nay, cùng với dòng thác Mây nguyên sơ, trữ tình thì nét văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã trở thành “đại sứ du lịch” tạo sức hút du khách đến với nơi này. Văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường ở đây được tạo nên từ những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn như, xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính song ngang, thịt lợn Mường, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng, thịt lợn nướng... Đặc biệt, điều chạm đến trái tim du khách là các món ăn đều được sử dụng từ nguồn thực phẩm tươi ngon sẵn có trong tự nhiên hoặc được đồng bào tự tay nuôi, trồng và được chế biến theo công thức truyền thống và kinh nghiệm gia truyền, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, thôn Đăng Thượng - hộ làm du lịch cộng đồng tại thác Mây cho biết: “Vốn sinh sống gần khu vực thác Mây, nên từ năm 2017 gia đình tôi đã đầu tư cơ sở vật chất để làm du lịch cộng đồng với mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hàng năm, vào mỗi dịp hè gia đình tôi đón được khá đông du khách đến lưu trú. Trên thực tế, tâm lý của khách du lịch khi đến với thác Mây hay bất kỳ địa phương nào cũng vậy, họ không chỉ muốn được tham quan khám phá, mà điều thực sự giữ chân họ ở lại chính là ẩm thực vùng miền. Do đó, ở đây đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống nên các món ăn phục vụ du khách tại homestay của gia đình tôi đều được chế biến từ các thực phẩm do chính người Mường tự tay trồng và nuôi như: gà nướng, thịt lớn nướng, ốc đá, xôi...". Ví như món xôi ngũ sắc, sẽ được đồ bằng gạo nếp và được lấy từ màu sắc của cây lá trong vườn như màu xanh nhuộm từ lá dong, màu vàng từ nghệ, màu đỏ, tím từ lá cây cơm đỏ, cơm tím... Khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, sẽ cho gạo vào nồi để đồ. Quá trình đồ xôi ngũ sắc đòi hỏi phải có kinh nghiệm để xôi ở trên bếp đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu. Người Mường luôn canh lửa vừa, khi nào thấy có mùi thơm là xôi đã chín. Xôi sau khi chín được bắc ra khỏi bếp cũng là lúc bàn tay khéo léo của người nấu xới, gạt, trộn đều các lớp xôi màu với nhau để xôi được trộn thành ngũ sắc đẹp mắt. Còn đối với các món nướng từ thịt gia súc, gia cầm, thì thịt sẽ được thái thành từng miếng nhỏ, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng để nướng hoặc vùi tro nóng, khi chín thịt rất thơm ngon.

Một nét đặc trưng tạo sức hấp dẫn du khách không chỉ nằm ở các món ăn mà còn ở cách thức bày biện mâm cỗ. Thông thường, chúng tôi sẽ bày mâm cỗ lót bằng lá chuối, thức ăn cũng được bày biện theo hình tròn và theo thứ tự các món chế biến khác nhau, và xen lẫn các loại rau thơm ăn sống, và món rau đồ khá độc đáo. Tất cả được bày biện khéo léo, ngăn nắp tạo nên mâm cỗ đa sắc màu cuốn hút du khách.

Chị Mai Anh (du khách đến từ Hà Nội) đến thác Mây cho hay: "Mỗi lần đến thác Mây, tôi rất ấn tượng với các món ăn và cách bài trí món ăn ở các homestay tại đây. Ngoài ra, tôi cũng khá thích thú với việc được trực tiếp quan sát cách chế biến, nấu nướng các món ăn, nhìn rất đơn giản nhưng khi ăn lại rất thơm ngon, đậm đà mang nét đặc trưng riêng của mảnh đất và con người ở đây. Ẩm thực cũng chính là “gia vị” khiến tôi quay trở lại thác Mây nhiều lần".

Đi khắp mảnh đất xứ Thanh, từ vùng núi cho đến miền biển, ở bất cứ đâu du khách cũng đều có thể được khám phá các món ăn ẩm thực mang đậm sắc thái văn hóa địa phương. Nếu đến mảnh đất Sầm Sơn đầy nắng gió, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa ẩm thực từ những món hải sản tươi ngon cho đến các món ăn đường phố hấp dẫn, mỗi món đều mang hương vị đặc trưng khó quên. Đầu tiên phải kể đến là các món ăn chế biến từ hải sản tươi ngon, hấp dẫn như cá thu, mực ống, tôm hùm, cua biển. Các món hải sản thường được các nhà hàng, khách sạn tại đây chế biến đơn giản để giữ lại hương vị tươi ngon tự nhiên của biển cả. Ngoài ra, đi dọc các tuyến phố ở Sầm Sơn, còn có khá nhiều quán ăn vặt thu hút du khách, nổi bật là bánh cuốn tôm, một món ăn sáng đặc trưng của người dân Sầm Sơn.

Có thể thấy, bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, sự độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực tại điểm đến cũng được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc tổ chức các sự kiện, liên hoan... liên quan đến ẩm thực để tạo sức hấp dẫn du khách. Mới đây nhất, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 với chủ đề “Đậm bản sắc - Bừng tinh hoa”, thu hút hơn 100 gian hàng của 15 tỉnh, thành phố trong cả nước và 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến với liên hoan, du khách được trực tiếp xem trình diễn, chế biến, trang trí và thưởng thức các món ăn, ẩm thực nổi tiếng của các địa phương dưới bàn tay khéo léo, sự sáng tạo trong lao động của các chuyên gia ẩm thực, nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp trên cả nước, như: xôi ngũ sắc Điện Biên, phở Atiso Lâm Đồng, nem bùi Bắc Ninh, thịt heo, gà nướng lụi Gia Lai, gỏi nhệch Nga Sơn, hải sản Sầm Sơn...

Ngoài ra, việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về ẩm thực, các hội thi tay nghề nghiệp vụ du lịch như, hội thi đầu bếp, thi nấu các món ăn, và mở các lớp tập huấn về nấu ăn cho những người làm du lịch cộng đồng, hoặc người dân sinh sống quanh các khu du lịch cũng được ngành du lịch trong tỉnh quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần nâng cao tay nghề nấu, chế biến và bày biện món ăn theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ du khách...

Xứ Thanh - mảnh đất hội tụ 7 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một nét văn hóa ẩm thực khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Các món ăn ẩm thực cũng chính là “chìa khóa” mở cửa trái tim du khách. Bởi vậy trong thời gian tới ngành du lịch của tỉnh đang đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, tăng cường quảng bá, kết nối thúc đẩy du lịch ẩm thực, hình thành và duy trì các điểm đến với những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và coi đây là “đòn bẩy” để thu hút khách du lịch.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-gia-tri-tinh-hoa-van-hoa-am-thuc-de-thuc-day-du-lich-32206.htm