Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm không chỉ là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, của giới nghiên cứu, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
UBND TP. Tuyên Quang đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”, nhằm góp phần định hình đời sống tín ngưỡng, hướng người dân xứ Tuyên đến những giá trị "chân - thiện - mỹ".

Tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Vũ Quỳnh Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang, cho biết, Đạo Mẫu, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đã khắc sâu trong tâm thức người Việt một triết lý nhân sinh sâu sắc - đề cao sự che chở, bao dung và lòng biết ơn đối với các đấng thiêng liêng. Không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng thờ phụng, Đạo Mẫu còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là nơi để con người tìm đến sự an yên trong tâm hồn, để cầu mong bình an, hạnh phúc. Nghi lễ hầu đồng, một di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh, không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là biểu tượng rực rỡ của văn hóa nghệ thuật dân gian, thể hiện sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng dân tộc.

Tập trung bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện nay
Cùng với đó, Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, không chỉ là một dòng thiền thuần Việt, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhập thế, dung hòa giữa đời sống tâm linh và trách nhiệm xã hội. Triết lý “Cư trần lạc đạo” đã thấm nhuần vào đời sống người dân, giúp họ không chỉ hướng thiện mà còn biết sống hài hòa với thiên nhiên, với chính mình và với xã hội. Hệ thống chùa, thiền viện ở Tuyên Quang không chỉ là nơi hành lễ, mà còn là không gian thanh tịnh để con người tìm về sự tĩnh lặng, tu dưỡng tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.
"Sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng tín ngưỡng này đã góp phần định hình một nét văn hóa đặc sắc của Tuyên Quang - một vùng đất linh thiêng, nơi mà lòng thành kính và sự tôn vinh cội nguồn trở thành giá trị cốt lõi trong đời sống nhân dân, giúp Tuyên Quang không chỉ là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách thập phương. Các đền, chùa, thiền viện nơi đây không chỉ là không gian hành hương, mà còn là những di tích chứa đựng lớp lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và tâm linh của dân tộc", bà Vũ Quỳnh Loan nhấn mạnh.

GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, phát biểu tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập và phát triển, GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng, Tín ngưỡng Thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng dân gian của người Việt. Mẫu, gọi theo tiếng Hán, là Mẹ. Các kết quả nghiên cứu về văn hóa dân gian cho thấy tục thờ Mẫu có từ rất xa xưa khi người Việt tôn thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu, làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người.
"Đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ; đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc – Lộc – Thọ. Đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người; Đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà Đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa; Đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Và quan trọng hơn, trong Đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa", ông Trương Quốc Bình cho hay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, phát biểu tại tọa đàm
Nói về một số vấn đề đặt ra đối với việc phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm ở Tuyên Quang đang đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề như biến tướng tín ngưỡng, thương mại hóa lễ hội, sự mai một trong thực hành nghi lễ truyền thống, và tác động của du lịch tâm linh đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo tồn và phát triển bền vững hai di sản quý báu này. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang là một nhiệm vụ quan trọng, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong thời kỳ hội nhập và phát triển".