Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về tam nông
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt đối với sự tồn tại, phát triển của dân tộc, đất nước ta. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thể hiện hết sức đặc sắc và vẫn còn vẹn nguyên giá trị, tính thời sự, tính dự báo và tính định hướng lâu dài cho lĩnh vực được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.
![Tranh: MINH TẤN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466851/ec0ee6ead7a43efa67b5.jpg)
Tranh: MINH TẤN
Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tam nông
Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa thành lập, Bác Hồ đã nói: “Nước ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc”. Tại buổi nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27/5/1957), Người khẳng định: “Nông dân ta là một lực lượng sản xuất rất to lớn, đồng thời là một lực lượng cách mạng rất to lớn”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và tiến trình phát triển xã hội. Bác nhấn mạnh: “Cách mạng của ta hiện nay là chống đế quốc, chống phong kiến. Nông dân là lớp người đông nhất trong Nhân dân, cho nên họ là quân chủ lực của cách mạng”. Lịch sử đã chứng minh vai trò và sức mạnh to lớn của Nhân dân, trong đó nòng cốt là liên minh công - nông trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
Hồ Chí Minh coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nền tảng cơ bản của nền dân chủ mới, là động lực để kiến thiết, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chú trọng chăm lo, bồi dưỡng cho sức dân, trong đó có nông dân, cũng chính là nhiệm vụ hệ trọng để vun đắp, củng cố nền tảng vững chắc sự nghiệp cách mạng lâu dài của cả dân tộc trong bối cảnh đất nước đứng trước muôn vàn thử thách cam go.
Muốn nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiến bộ, phát triển thì nhiệm vụ của cách mạng là phải thay đổi quan hệ sở hữu ruộng đất, đưa ruộng đất về tay nông dân. Cách mạng vô sản chân chính, triệt để là phải làm sao để người cày có ruộng. Bác nói: “Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng”.
Bác Hồ ví nông nghiệp và công nghiệp là hai chân của nền kinh tế, trong đó nông nghiệp là vế thứ nhất, tạo nền tảng, nguồn lực để phát triển công nghiệp. Ðể nông nghiệp thực sự vững mạnh, Bác chỉ ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, đó là phải đưa hợp tác xã nông nghiệp là con đường nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiến lên và đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nông dân. Người đúc kết: “Cơ sở sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã”.
Không chỉ là hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, cải tiến kỹ thuật canh tác được Bác Hồ xác định là khâu then chốt để đưa nền nông nghiệp nước ta đạt năng suất cao, giải phóng sức lao động và tiến lên mạnh mẽ hơn. Tư tưởng ấy được Bác nhấn mạnh về những cải tiến về nông cụ, về thủy lợi, các yếu tố “thiên thời” (mùa vụ); “địa lợi” (thổ nhưỡng đất đai); “nhân hòa” (phân công lao động).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến ý tưởng xây dựng làng kiểu mẫu ở nông thôn. Ðó là sự tương tác hài hòa, kiến tạo những giá trị tích cực, tốt đẹp mới trong cuộc sống từ thành tố con người chủ thể (nông dân) - phương thức sản xuất (nông nghiệp) và không gian sinh sống (nông thôn).
Vận dụng sáng tạo, phù hợp và hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về “tam nông” trong bối cảnh mới
Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn vẹn nguyên giá trị, tính thời sự, tính dự báo và tính định hướng lâu dài cho lĩnh vực được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.
Ngay trước thềm đổi mới, tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ V (3/1982), Ðảng ta đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, có vai trò nền tảng của nền kinh tế đất nước. Ðại hội Ðảng lần thứ VI (1986) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của nông nghiệp. Có thể khẳng định, công cuộc đổi mới của nước ta đã bắt đầu sớm nhất từ lĩnh vực nông nghiệp với “khoán 100” (Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981) và sau này là sự ra đời của “khoán 10” (Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988) đã cởi trói cho kinh tế nông nghiệp đất nước.
Ðại hội lần thứ VI khẳng định nhiệm vụ cấp bách của Ðảng ta là đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới về tư duy là vấn đề hệ trọng, đổi mới tư duy bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế, và nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực đã tiên phong tạo ra tín hiệu, động lực đổi mới cho cả đất nước. Ðây là nền tảng quan trọng để tạo nên bước chuyển ngoạn mục của kinh tế - xã hội đất nước trước những thử thách cam go của lịch sử.
Trong gần 40 năm đổi mới của đất nước, các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề hệ trọng. Dù bối cảnh có khác nhau, tuy nhiên, Ðảng ta luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đó là chiến lược, sách lược phát triển, đổi mới, hội nhập.
Ðại hội XIII của Ðảng xác định: “Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế”. Ðiều này càng được sáng rõ trước những biến cố lớn như khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Kinh tế nông nghiệp là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam, trở thành trụ đỡ vững vàng đưa đất nước từng bước phục hồi, phát triển. Trước diễn biến khó lường của tình hình quốc tế, vấn đề nông nghiệp được cụ thể hóa thành chiến lược an ninh lương thực, đảm bảo nguồn lực, tiềm lực của đất nước để ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Ðại hội XIII xác định, con đường của nông nghiệp Việt Nam là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”.
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.
Ðể nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, cần thấm nhuần lời dạy của Bác, đó là “Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa”. Tức là phải đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiện đại, người nông dân cũng là người làm kinh tế nông nghiệp, và phải hội tụ đủ các yêu cầu về tư duy, tri thức, nguồn lực để tồn tại, cạnh tranh và phát triển trong thị trường hàng hóa lớn. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải đặt mình vào lợi ích chung của nông dân, của đất nước, thật sự là những người bạn đồng hành tin cậy, vì lợi ích của nông dân.
Thành tựu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2010 làm thay đổi toàn diện, sâu sắc diện mạo của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đất nước ta. Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục xác định việc đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa kiểu mẫu với hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó làm cho diện mạo nông thôn Việt Nam thật sự trở thành kiểu mẫu lý tưởng như Bác Hồ từng mong đợi.
Tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình hiện nay là tiếp nối khát vọng của Người về một đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Phải xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là nền tảng, nguồn lực căn bản, mà còn là những hằng số tạo nên hồn cốt của con người, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp đồng bộ, hài hòa các lĩnh vực kinh tế khác. Coi nông nghiệp cũng là một lĩnh vực cần được tập trung đổi mới; tận dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tri thức nhân loại để tạo nên bước đột phá lớn trong sản xuất, mang lại đời sống giàu có cho người nông dân, đồng thời xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành hình mẫu lý tưởng để hoàn thành mục tiêu đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ðồng thời, phải đúc rút những bài học kinh nghiệm cả từ lý luận lẫn thực tiễn để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta tiến bước kịp với thời đại, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.
Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn giúp Ðảng ta, đất nước ta, dân tộc ta sáng tỏ hơn về con đường, giải pháp để tiến lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc, trường tồn./.
(Tài liệu trích dẫn:
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
- Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII ÐCSVN, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021).
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-gia-tri-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-tam-nong-a37163.html