Phát huy PISA, nâng cao hiệu quả đổi mới kiểm tra, đánh giá

Tham gia khảo sát PISA là cơ hội Việt Nam học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới kỹ thuật, phương pháp đánh giá.

Học sinh tự tin tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2025.

Học sinh tự tin tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2025.

Tham gia khảo sát PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) từ 2012 đến nay không chỉ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế về giáo dục, đề xuất chính sách giáo dục quốc gia, mà còn là cơ hội học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới kỹ thuật, phương pháp đánh giá song hành với đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Về nội dung này, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) có một số trao đổi về cách tiếp cận, kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của đề thi PISA, từ đó gợi ý vận dụng PISA trong đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.

Bộ đề thi tiên phong và sáng tạo về đánh giá năng lực học sinh

- Đề thi PISA được đánh giá là một trong những bộ đề thi tiên phong và sáng tạo về đánh giá năng lực học sinh. Theo ông, điều này được thể hiện như thế nào?

Bài khảo sát học sinh (đề khảo sát/đề thi) của PISA được các chuyên gia khảo thí hàng đầu thế giới thiết kế nhằm đánh giá khả năng của học sinh tuổi 15 trong áp dụng kiến thức và kỹ năng đọc, toán và khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống (ở phạm vi gia đình, cộng đồng địa phương, quốc gia/quốc tế).

Học sinh từ 95 quốc gia (bao gồm Việt Nam) tham gia sẽ làm bài khảo sát tương tự nhau, không phân biệt chương trình và tài liệu học tập của mỗi quốc gia. Qua đó, góp phần thực hiện yêu cầu: “Giáo dục có thể trang bị cho người học khả năng hành động và ý thức về mục đích, cũng như các năng lực họ cần để định hình cuộc sống của chính họ và đóng góp vào cuộc sống của người khác”.

Đề thi PISA đúng là một trong những bộ đề thi tiên phong và sáng tạo về đánh giá năng lực học sinh, không đơn thuần kiểm tra kiến thức, mà tập trung vào đánh giá năng lực ứng dụng, tư duy, giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Ví dụ, trong lĩnh vực Toán học, thay vì chỉ giải những bài toán thuần túy toán học, học sinh có thể được yêu cầu lập kế hoạch tài chính cho chuyến du lịch nước ngoài, hoặc giải quyết một số vấn đề có thể diễn ra trong thực tiễn.

Trong lĩnh vực Đọc hiểu, thay vì chỉ đọc truyện hay thơ, đề thi có thể yêu cầu học sinh phân tích hướng dẫn sử dụng máy móc, đọc thông tin y tế hoặc các quảng cáo tuyển dụng.

Lĩnh vực Khoa học không còn dừng lại ở lý thuyết khô khan mà mở rộng ra giải thích các hiện tượng đời sống, như vì sao trời mưa axit gây hại cây trồng hay cách cải thiện chất lượng nước ngầm.

Hơn nữa, PISA còn có các dạng câu hỏi mô phỏng tình huống thực tế, yêu cầu học sinh thao tác hoặc đưa ra giải pháp, giúp đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh một cách toàn diện.

 PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Minh Phong.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Minh Phong.

- Việc học sinh Việt Nam được trải nghiệm đề thi sẽ giúp rèn luyện những kỹ năng gì và có giúp ích gì cho các em trong phát triển năng lực?

Được trải nghiệm đề thi PISA sẽ giúp học sinh có thêm những kỹ năng vận dụng các kiến thức đã học giải quyết các bài toán thực tiễn, qua đó sẽ phát triển được nhiều năng lực cần thiết.

Trước hết, kỹ năng tư duy phản biện. Các câu hỏi trong đề thi PISA thường cung cấp rất nhiều thông tin, nhưng không phải tất cả đều quan trọng. Học sinh cần biết cách nhận diện và chọn lọc những dữ liệu cốt lõi, loại bỏ các chi tiết dư thừa, không liên quan.

Kỹ năng này sẽ giúp các em trở nên nhạy bén hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, vốn cũng ngày càng hướng đến kiểm tra khả năng suy luận và phân tích thay vì chỉ ghi nhớ đơn thuần.

Thông qua quá trình làm quen với đề thi PISA, học sinh sẽ phát triển tốt kỹ năng giải quyết vấn đề. Đề thi PISA thường không chỉ dừng lại ở bài toán truyền thống mà đưa ra những tình huống thực tế, mới lạ và gần gũi với đời sống, buộc các em phải sáng tạo, tìm ra những cách tiếp cận và giải quyết linh hoạt hơn.

Việc tiếp xúc thường xuyên với các tình huống như vậy sẽ giúp học sinh thích nghi tốt hơn với định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, khi mà Bộ GD&ĐT chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của thí sinh.

Bên cạnh đó, học sinh cũng sẽ cải thiện đáng kể kỹ năng đọc hiểu. Đề thi PISA không chỉ yêu cầu học sinh hiểu nghĩa bên ngoài/nghĩa đen, hoặc nội dung trực tiếp của văn bản mà còn đòi hỏi các em nhận ra ý đồ ẩn chứa, lập luận ngầm của tác giả.

Đây là kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống và công việc tương lai, giúp học sinh dễ dàng đọc hiểu các văn bản phức tạp, tin tức đa chiều hay các tài liệu chuyên môn.

Kỹ năng này cũng giúp ích rất nhiều cho học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đề thi ngày càng nhấn mạnh khả năng hiểu, suy luận và đánh giá các văn bản đa dạng.

Đồng thời, trải nghiệm đề thi PISA cũng sẽ giúp học sinh phát triển khả năng ứng dụng kiến thức tổng hợp. Các câu hỏi trong đề thi PISA thường tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như Toán học, Khoa học, Tin học hay Địa lí, Vật lí, Sinh học.

Ví dụ, học sinh có thể phải đọc biểu đồ khí hậu (môn Địa lí), từ đó giải thích hiện tượng băng tan (kiến thức Vật lí) và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường (kiến thức Sinh học).

Quá trình này giúp các em không chỉ tránh được tình trạng học lệch, mà còn giúp học sinh biết cách liên kết, vận dụng các kiến thức từ nhiều lĩnh vực vào một vấn đề cụ thể.

Đây chính là xu hướng giáo dục và thi cử trong tương lai, và chắc chắn sẽ là lợi thế không nhỏ cho các em trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Học sinh Việt Nam đã tự tin và thành công khi tham gia các bài thi PISA từ 2012 đến nay. Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đánh giá yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất của người học. Theo đó, năng lực chung cốt lõi gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù gồm: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

Như vậy, về cơ bản chúng ta thấy PISA và chương trình GDPT đều có mục tiêu là đánh giá năng lực qua việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh vào giải quyết các vấn đề/tình huống thực tiễn.

 Học sinh Bắc Giang tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2025. Ảnh: Nguyễn Mạnh.

Học sinh Bắc Giang tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2025. Ảnh: Nguyễn Mạnh.

Vận dụng PISA vào đánh giá kết quả học tập của học sinh Việt Nam

- Bộ GD&ĐT đã triển khai những hoạt động nào nhằm hỗ trợ giáo viên vận dụng cách đánh giá PISA? Lưu ý của ông với giáo viên, nhà trường khi vận dụng PISA trong kiểm tra, đánh giá người học?

Một trong các mục tiêu của phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia và quốc tế ở Việt Nam đó là góp phần thực hiện Chương trình GDPT hiện hành. Nhận thấy sự tiên tiến, nhất là sự tương đồng trong cách tiếp cận, kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của PISA với định hướng đánh giá phục vụ dạy, học phát triển năng lực học sinh của Việt Nam, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng và tổ chức tập huấn để đội ngũ giáo viên tham gia hiểu, vận dụng, viết được các câu hỏi của PISA.

Tháng 12/2022, Cục Quản lý chất lượng đã tập huấn cho giáo viên tại 16 tỉnh thành trên cả nước. Kết quả, khoảng 5.000 giáo viên đã hiểu kỹ thuật và viết được các câu hỏi theo cách của PISA nhưng gắn với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, của học sinh Việt Nam. Theo đó, mỗi câu hỏi sử dụng các ngữ liệu, tình huống gắn với cuộc sống, học tập của học sinh; học sinh đọc, hiểu, xác định định vấn đề và vận dụng kiến thức ngữ văn, toán, khoa học để giải quyết các vấn đề.

Sau khi được tập huấn, nhiều giáo viên mong muốn có văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc vận dụng vào đánh giá kết quả học tập của học sinh Việt Nam theo học Chương trình GDPT 2018. Ngay từ năm 2017, nhiều hướng dẫn của Bộ giúp giáo viên thực hiện định hướng, yêu cầu đánh giá của Chương trình hiện hành đó là:

Ngày 10/3/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình 2006) theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Công văn ghi rõ: “Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng”; “Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”.

 Ông Hà Xuân Thành - Phó trưởng ban điều hành khảo sát PISA chu kỳ 2025 tại Việt Nam chụp ảnh cùng Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh tham gia khảo sát PISA tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Ông Hà Xuân Thành - Phó trưởng ban điều hành khảo sát PISA chu kỳ 2025 tại Việt Nam chụp ảnh cùng Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh tham gia khảo sát PISA tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Ngày 30/7/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong công văn này, đối với kiểm tra đánh giá học sinh THCS, THPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu không kiểm tra vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.

Riêng môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tránh sử dụng văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ thuộc bài hoặc sao chép văn mẫu.

Đây cũng chính là kỹ thuật đánh giá được OECD sử dụng trong bài khảo sát PISA, các giáo viên Việt Nam đã được tập huấn để thực thi yêu cầu này.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ đánh giá tổng kết đối với học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 trên toàn quốc. Với tính chất của kỳ đánh giá tổng kết, bài thi tốt nghiệp nhất quán với cách dạy, học và đánh giá theo chuẩn đầu ra của Chương trình 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Sự am hiểu và khả năng áp dụng kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh theo chuẩn đầu ra năng lực, phẩm chất ở các cấp học của đội ngũ giáo viên trong cả đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết sẽ bảo đảm sự nhất quán với cách dạy, học theo chuẩn đầu ra của Chương trình 2018. Từ đó giúp học sinh làm quen, tự tin với các bài thi đánh giá năng lực, góp phần hoàn thành chương trình học, đạt chuẩn đầu ra để tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-pisa-nang-cao-hieu-qua-doi-moi-kiem-tra-danh-gia-post729814.html