Phát huy sức mạnh của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, mục tiêu này không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng rất cao trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023...
Nhằm tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để hiểu rõ hơn hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Kinh tế Việt Nam sắp đi qua 1/4 chặng đường với những khó khăn của khu vực doanh nghiệp, vậy theo ông, với mục tiêu tốc độ tăng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% có dễ đạt được hay không?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hoạt động kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ lụy nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; tiêu dùng suy giảm.
Một số tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã" đó là: đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước và khu vực FDI; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Để GDP năm 2024 tăng từ 6 - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3 - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2 - 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7 - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.
Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng rất cao trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023 và không thể tăng cao trong nhiều năm vì tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản cần thời gian và vốn đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, không giống khu vực công nghiệp và xây dựng có thể tăng thời gian sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm với máy móc thiết bị và đội ngũ lao động hiện có.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế.
Năm 2024, cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân đạt 95% thì cũng chỉ tương đương với số vốn đầu tư công thực hiện của năm 2023, khi đó đầu tư công không còn thực hiện vai trò gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Nếu giải ngân hết 657 nghìn tỷ đồng, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Phóng viên: Cùng với mục tiêu về tăng trưởng GDP, liệu tăng năng xuất lao động xã hội bình quân có đạt được mục tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua không, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Chỉ tiêu năng suất lao động xã hội bình quân là chỉ tiêu phái sinh, được tính gián tiếp và phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đạt được của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, với quy trình và công nghệ sử dụng trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế còn lạc hậu, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, có kỹ năng, tay nghề còn thấp.
Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp… đây là các nguyên nhân khiến cho nền kinh tế chưa tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời cũng hạn chế mức tăng năng suất lao động.
Theo ước tính, nếu không có bước đột phá về hiệu quả sử dụng lao động, đổi mới công nghệ trong sản xuất, ngay cả khi tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 6% - 6,5% khi đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân năm 2024 vẫn không đạt mục tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua tăng từ 4,8 đến 5,3%.
Phóng viên: Xung đột địa chính trị làm suy yếu và gián đoạn mạng lưới cung ứng, giá cả nhiều mặt hàng leo thang, khiến cho lạm phát trỗi dậy. Điều này có ảnh hưởng và tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam không, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Bức tranh lạm phát năm 2024 của nước ta đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát. Các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát bao gồm: giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu khi sản lượng lương thực ở một số quốc gia suy giảm do biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục có thể tăng sau nhiều năm kìm giữ; tác động của tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng gia tăng theo yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ làm gia tăng tổng cầu, gây áp lực lạm phát của nền kinh tế.
Đặc biệt, xung đột ở Trung đông gây rủi ro làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ; OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm khoảng 2,2 triệu thùng/ngày, ngay từ đầu năm 2024 là những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trong năm nay với dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 70-100 USD/thùng, tương đương giá dầu tăng tới 19% so với năm trước, điều này sẽ gia tăng áp lực lạm phát đối với kinh tế nước ta.
Tuy vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo, nhu cầu dầu năm 2024 sẽ tăng chậm lại khi kết thúc giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng với sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.
Ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế lạm phát bao gồm: sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu" lạm phát; Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào giữa năm khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD giảm, do đó, giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay, lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã hạ thấp, cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát.
Với các yếu tố kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4 - 4,5% đã được Quốc hội thông qua có tính khả thi.
Phóng viên: Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông có khuyến nghị gì để kế hoạch hoàn thành với mục tiêu cao nhất?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, thiết nghĩ, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp:
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, Chính phủ cần cập nhật, điều chỉnh kịp thời các giải pháp phù hợp với thay đổi của kinh tế thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới. Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.
Cùng với đó, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam; đồng thời, thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, cần hoàn thiện đồng bộ môi trường pháp lý để tất cả các loại thị trường đều phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương. Mặt khác, Chính phủ xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điện là loại năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chủ động ứng phó với các biến động không thuận về năng lượng, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao.
Phóng viên: Đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông, để thúc đẩy giải ngân nhanh trong những tháng đầu năm, ông có khuyến nghị gì?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.
Cùng với đầu tư công, Chính phủ và các địa phương thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bù đắp phần suy giảm so với năm trước của vốn đầu tư công.
Với chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” với năng lực và kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ cùng sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam sẽ hóa giải được những khó khăn, bất cập, để đạt được tối đa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!