Phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới
Sáng 6/3/2024, tại tỉnh Điện Biên, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Có 316 mô hình/hoạt động về phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
Tiếp nối các hoạt động "Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/3/2024, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm cụ thể chủ trương của Đảng, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, trong nhiều nhiệm kỳ, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, gắn với phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS.
Đối với hoạt động của Dự án 8, tính đến tháng 2/2024, theo kết quả rà soát, tổng hợp của TƯ Hội tại 28/50 tỉnh/thành thuộc địa bàn Dự án đã thành lập được 316 mô hình/hoạt động về phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, với khoảng 26.630 thành viên tham gia.
Về phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hầu hết các mô hình/hoạt động tập trung vào 3 nhóm: Nhóm mô hình/hoạt động gắn với văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hóa gắn với làng nghề truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động về phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đó, nhóm mô hình gắn với "văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống" chiếm khoảng 82,6% tổng số các mô hình/hoạt động và được triển khai đều ở cả 3 khu vực DTTS trọng điểm trong cả nước. Nổi bật là các CLB đàn tính, then, hát dân ca sli, hát lượn, múa sinh tiền, đánh pao, ném còn, thổi khèn môi của phụ nữ DTTS Thái, Mường, Mông, Tày, Dao… ở khu vực miền Bắc tại các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình…). Ở khu vực Miền Trung, Tây nguyên như Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk… các mô hình lại mang đậm bản sắc của đồng bào và phụ nữ DTTS Pa Kô, Cơ tu, Cor, Hre, Banar, Gia-rai, Êđê như đàn bầu, biểu diễn vinh-vút, biểu diễn cà đáo, cồng chiêng, múa xoang… Ở khu vực Nam Bộ, các mô hình của đồng bào dân tộc Khmer như đua ghe ngo nữ, CLB Dù kê (kịch hát truyền thống) chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có các Tổ dân vũ hoạt động mạnh tại các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Bên cạnh đó, nhóm hoạt động duy trì bảo tồn, phát huy "văn hóa, gắn với làng nghề truyền thống" hiện có khoảng 62 mô hình. Nhóm hoạt động gắn với phát triển du lịch cộng đồng hiện có khoảng 55 mô hình, chủ yếu là mô hình homestay (cơ sở lưu trú tại nhà dân) và farmstay (ở cùng nông dân và tham gia trồng trọt).
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, đối tượng của các mô hình/hoạt động không chỉ có phụ nữ mà còn có sự tham gia rất tích cực của nhiều nam giới trong cộng đồng tại các khu vực DTTS và miền núi.
Các mô hình/hoạt động này đã góp phần nâng cao đời văn hóa/tinh thần và cải thiện quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, giúp chị em tự tin, có tiếng nói hơn trong gia đình, trực tiếp tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Sự tham gia chủ động, tích cực của hội viên, phụ nữ trong các hoạt động văn hóa gắn với phát triển kinh tế cũng góp phần nâng cao nhận thức xã hội, sự nhìn nhận của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của nam giới, chung tay vì mục tiêu bình đẳng giới.
Tháo gỡ bất cập để phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống vùng dân tộc thiểu số
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS trong thúc đẩy bình đẳng giới có nơi còn chưa được quan tâm đẩy mạnh; các hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp, có tác động không tốt tới đời sống nhân dân, đặc biệt tới phụ nữ, trẻ em vẫn còn chưa được đẩy lùi. Có thể kể đến một số tập tục không còn phù hợp như ma chay hiếu hỉ tốn kém, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cướp vợ, sinh nở tại nhà không có hỗ trợ y tế… đã, đang gây hệ lụy nghiêm trọng, tước đi cơ hội học tập, phát triển bản thân của nhiều phụ nữ và trẻ em gái DTTS…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai hoạt động của các địa phương và đặc biệt là đề xuất những giải pháp, gợi ý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ.
Đồng thời phân tích, làm rõ những mô hình tiềm năng, có thể khai thác được thế mạnh về các yếu tố tự nhiên, xã hội vùng đồng bào DTTS để phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Các đại biểu cũng đề xuất những cơ chế, chính sách, về sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng, quy mô, tính bền vững của các mô hình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ vào quá trình phát triển tế - xã hội khu vực DTTS.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta chiếm gần 3/4 diện tích của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với số dân khoảng hơn 14 triệu người (chiếm 14,7%) dân số cả nước, với nhiều giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.