Phát huy tính sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13/2, các đại biểu thảo luận tại tổ với ba nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Các đại biểu thảo luận ở tổ sáng 13/2. Ảnh: PT

Các đại biểu thảo luận ở tổ sáng 13/2. Ảnh: PT

Cần có đánh giá toàn diện

Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Các nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa kịp thời các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương.

Góp ý về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện tại là phù hợp.

Quy định như vậy cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian để “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị theo yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Để từ đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định rõ mô hình chính quyền địa phương đô thị, chính quyền địa phương ở hải đảo, chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế do Luật định và việc quy định nguyên tắc cụ thể, phạm vi trách nhiệm, quyền được phân cấp của chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề xuất, cơ quan soạn thảo cần xem xét, cân nhắc làm rõ thêm đối với các nhiệm vụ ủy quyền dẫn đến thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, có thể thực hiện thí điểm cho việc thực hiện một số thủ tục hành chính để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Phân biệt phân cấp và ủy quyền rõ ràng hơn

Một vấn đề được các ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận tổ, đó là về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, ủng hộ và cho rằng đây là việc làm cần thiết để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH Bình Thuận cho rằng, giữa quy định tại Điều 14 về phân cấp cho chính quyền địa phương và Điều 15 ủy quyền cho chính quyền địa phương vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng, chưa cụ thể trường hợp nào thì được phân cấp và trường hợp nào thì được ủy quyền? heo dự thảo Luật, có 2 tiêu chí được phân biệt giữa phân cấp và ủy quyền, đó là hình thức văn bản và thời gian thực hiện, tức là thực hiện thường xuyên, liên tục hoặc một số nhiệm vụ đối với việc phân cấp và thực hiện một số nhiệm vụ trong khoảng thời gian xác định đối với ủy quyền.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ, trong thực tế có thể phát sinh một số trường hợp thay vì phân cấp, thì các cơ quan và người có thẩm quyền lại tiến hành ủy quyền. Bởi, việc phân cấp tuân thủ theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây mất nhiều thời gian, còn ủy quyền thì bằng một văn bản hành chính.

Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần có sự rà soát kỹ lưỡng để phân biệt phân cấp và ủy quyền rõ ràng hơn.

Còn Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH Bình Phước cho biết, việc phân cấp hiện nay là Trung ương chuyển về địa phương tự quyết nhưng cơ chế thực hiện như thế nào thì chưa rõ.

Đại biểu Vũ Ngọc Long nêu ví dụ khi thực hiện dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng thì liên quan đến các bộ, ngành; hoặc việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho doanh nghiệp cũng phải từ cấp bộ, còn địa phương ủy quyền cho chính quyền địa phương chỉ đến điện sinh hoạt. Trong khi đó Sở Công thương và chính quyền địa phương vẫn là nơi xác nhận và chịu trách nhiệm.

Vì vậy, theo Đại biểu Vũ Ngọc Long, nếu phân cấp, phân quyền cho địa phương thì phân cấp luôn về quản lý ngành để tạo thuận tiện trong việc thực hiện.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng:“Về phân cấp phân quyền trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi cần phân cấp, phân quyền rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể và có sự giám sát".

"Với những địa bàn hành chính đặc thù như các xã đảo không tổ chức Hội đồng nhân dân cần có quy định cụ thể khi ban hành văn bản để không còn khoảng trống pháp lý khi triển khai thực hiện tại địa phương”, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết.

Còn Đại biểu Thái Thanh Quý (Đoàn Nghệ An) cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) chỉ nên quy định là sửa đổi một điều của luật này phù hợp với quá trình tinh gọn bộ máy hiện nay. Tuy nhiên, do còn liên quan đến vấn đề sắp xếp, tinh giảm bộ phận trung gian thì cần nghiên cứu cụ thể hơn trong thời gian tới.

Lê Vân - Xuân Cường/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huy-tinh-sang-tao-tu-chiu-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-dia-phuong-20250213135948598.htm