Phát huy vai trò hòa giải trong cộng đồng dân cư

Hòa giải là biện pháp giải quyết hiệu quả tận gốc mâu thuẫn, tranh chấp; góp phần quan trọng vào xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.NHẬN RÕ VAI TRÒ

Quán triệt tinh thần đó, thời gian qua ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”. Nổi bật là đưa Luật Hòa giải ở cơ sở vào cuộc sống: Ban hành đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; triển khai học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức huyện, cơ sở; tuyên truyền rộng rãi ra nhân dân qua sinh hoạt chi, tổ hội; tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh.

Huyện Châu Thành khen thưởng các tập thể đạt thành tích tiêu biểu nhân tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Huyện Châu Thành khen thưởng các tập thể đạt thành tích tiêu biểu nhân tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Đồng thời, quan tâm kiện toàn và thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi thu hút đông đảo thí sinh tham gia, tạo môi trường giao lưu học hỏi kinh nghiệm thực tiễn hòa giải. Cùng với đó là phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng đội ngũ hòa giải, tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật nói chung, Luật Hòa giải nói riêng; vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thường xuyên giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở, kiến nghị - đề xuất chính quyền có hướng tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn.

Từ đó đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức về vị trí, vai trò công tác hòa giải, cùng sự hiểu biết, tự giác chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải đạt kết quả ngày càng cao.

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ

Huyện có tổng cộng 161 tổ hòa giải với 1.050 hòa giải viên (133 tổ hòa giải ấp, 938 hòa giải viên và 28 tổ hòa giải khu nhà trọ công nhân với 112 hòa giải viên) bao phủ đến từng xóm ấp, khu dân cư, số lượng mỗi tổ có từ 5 đến 7 thành viên.

Các tổ hòa giải đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Các hòa giải viên quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng; hầu hết nắm vững các nguyên tắc hòa giải, kịp thời cập nhật quy định pháp luật mới ban hành, am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý người dân, biết khơi dậy những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc để tiến hành hòa giải; hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục chân thành để các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau.

Nhiều hòa giải viên là người cao tuổi, có uy tín, gần gũi người dân trong xóm ấp có điều kiện nắm chắc nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, hiểu rõ tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh từng đối tượng. Với uy tín cùng sự khéo léo, các hòa giải viên đã giải quyết thấu tình đạt lý nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tưởng chừng đi vào bế tắc. Đặc biệt, khi các vụ việc đã được giải quyết, các tổ hòa giải có theo dõi, động viên các đương sự thực hiện các nội dung cam kết, nhờ đó đã hạn chế tình trạng tái mâu thuẫn, tranh chấp.

Số liệu thống kê của UBND huyện cho thấy, 10 năm qua, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 1.727 vụ việc, hòa giải thành 1.418 vụ việc, đạt trung bình 82,19% và tỷ lệ hòa giải thành có xu hướng ngày càng nâng cao: Năm 2014 hòa giải thành 74,8%, đến cuối năm 2022 là 92,19% và 6 tháng đầu năm 2023 là 100%. Việc thực hiện tốt công tác hòa giải đã giải quyết trực tiếp nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau trong tình làng nghĩa xóm.

TIẾP TỤC PHÁT HUY

Châu Thành đang trong tiến trình xây dựng huyện phát triển bền vững trong vùng kinh tế - đô thị Trung tâm của tỉnh mà trọng tâm là sớm xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóm ấp bình yên, khu dân cư an vui cùng đồng thuận, đoàn kết, các tầng lớp nhân dân tích cực dựng xây quê hương. Vì vậy, việc phát huy vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở là vô cùng quan trọng.

Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, có những giải pháp quan trọng, đó là: Các cấp ủy, chính quyền phải có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của hòa giải, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cộng đồng dân cư.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật Hòa giải ở cơ sở và các hướng dẫn thi hành. Quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên đủ số lượng, chất lượng, tận tâm, trung thực, khách quan khi giải quyết vụ việc; khuyến khích cán bộ hưu trí sinh sống trên địa bàn am hiểu pháp luật, tập quán địa phương, nhất là thẩm phán, kiểm sát viên làm hòa giải viên hoặc trợ giúp pháp lý cho công tác hòa giải.

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, văn hóa, kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật mới để hòa giải viên vận dụng hiệu quả vào hòa giải. Tăng cường phổ biến, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của người dân, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư và xem công tác này cùng với việc nâng cao chất lượng hòa giải viên là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa để hòa giải thành công.

NGUYỄN MINH TÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202311/phat-huy-vai-tro-hoa-giai-trong-cong-dong-dan-cu-995977/