Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Riêng tại xã Duy Ninh, những năm gần đây, người dân đã đẩy mạnh phát triển NTTS, mạnh dạn đưa nhiều loại TS có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.'Trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện có nhiều địa phương thực hiện mô hình NTTS trên sông, như: Thị trấn Quán Hàu, Võ Ninh, Gia Ninh... Tuy nhiên, xã Duy Ninh vẫn là địa phương có tiềm năng phát triển nghề NTTS bền vững trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất và hỗ trợ, liên kết tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, hội cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh', Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho hay.

Nuôi cua trong hộp nhựa

Nhanh tay kéo những lồng nuôi cua ở dưới sông lên cho chúng tôi “mục sở thị”, anh Phạm Văn Thông, thôn Phú Ninh vui vẻ chia sẻ: “Trong một lần tình cờ thấy mấy thùng sơn của ai vứt ở mép sông, tôi liền nảy ra ý định nuôi thử nghiệm cua trong thùng sơn. Tranh thủ thời gian buổi tối, tôi dùng que sắt chui từng lỗ trong thùng sơn để thả nuôi cua trên sông. Ban đầu tôi nuôi thử 8 con cua trong 8 thùng sơn. Quá trình quan sát thấy cua sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh lột, đều và đẹp. Sau đó, tôi bắt đầu tìm mua thùng sơn và mua cua giống của người dân đánh bắt trên sông để nhân rộng số lượng nuôi”.

Thấy mô hình nuôi thử nghiệm cua trong thùng sơn của anh Thông có triển vọng, nhiều người dân trong thôn đã học và nuôi theo. Theo người dân, cua giống được dùng để nuôi trong thùng sơn là cua được bà con đánh lưới ngay trên sông nên quá trình nuôi rất dễ, trong khi giá cua giống rất rẻ chỉ 10.000 đồng/con. Cua nuôi trong vòng 3 tháng là có thể xuất bán.

Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình chị Phạm Thị Hài, thôn Phú Ninh.

Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình chị Phạm Thị Hài, thôn Phú Ninh.

Từ cách nuôi cua trong thùng sơn ban đầu, hiện nhiều hộ dân ở thôn Phú Ninh đã chuyển sang nuôi cua trong hộp nhựa trên sông. Theo người dân, nuôi cua trong hộp nhựa có nhiều ưu điểm và tiện ích. Mỗi con cua được nuôi trong một hộp nhựa, thức ăn của cua là những con cá nhỏ được người dân đánh bắt trên sông. Đến thời điểm hiện tại, toàn thôn Phú Ninh đã có 22 hộ nuôi cua bằng hộp nhựa trên sông với số lượng hơn 2.800 con.

Chị Phạm Thị Hài, thôn Phú Ninh cho hay, sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, cũng như được Hội Nông dân các cấp hướng dẫn cách thức nuôi, gia đình chị đã nuôi thử nghiệm 200 con cua. Nuôi cua trong hộp nhựa dễ hơn nuôi cá, thức ăn chủ yếu là cá biển, cá sông nên tiết kiệm được chi phí. Không những vậy, nuôi cua trong hộp nhựa có thể kiểm soát được số lượng, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc và thu hoạch nhanh. Cua nuôi trong hộp nhựa phát triển rất nhanh, chỉ mới nuôi hơn 1,5 tháng nhưng nhiều con đã có trọng lượng 6-7 lạng.

“Dự kiến sau 3 tháng nuôi, cua sẽ được bán với giá 400.000 đồng/kg, cua lột có giá 500.000 đồng/kg. Hiện tại, đã có nhiều người hỏi mua nhưng gia đình tôi vẫn chưa cất bán. Tôi thấy nuôi cua rất hiệu quả, chỉ tính đơn giản khi bán 1 con cua giá 100.000 đồng thì người nuôi lãi về 50.000 đồng”, chị Hài chia sẻ.

“Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa trên sông ở thôn Phú Ninh là một trong những mô hình mới trên địa bàn huyện nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả. Với hơn 400 con cua đang trong độ tuổi chuẩn bị xuất bán, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, mua thêm hộp nhựa để nâng cao số lượng nuôi”, anh Phạm Văn Thông cho hay.

Xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh

Nghề đánh bắt thủy sản trên sông ở thôn Phú Ninh đã có từ hàng chục năm trước nhưng nghề nuôi cá lồng trên sông thì bắt đầu từ năm 2012.

Theo Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp NTTS thôn Phú Ninh Phạm Minh Đậu, năm 2012, người dân trong thôn được chính quyền các cấp hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông. Các hộ nuôi đã được tập huấn kiến thức, tham quan các mô hình nuôi cá lồng ở tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ đó, nghề nuôi cá lồng trên sông ở thôn Phú Ninh dần phát triển. Từ một vài hộ nuôi ban đầu đến nay đã có 22 hội viên nuôi gần 70 bè, số lượng giống cá thả nuôi cũng tăng từ 2.000-3.000 con/năm lên hơn 40.000 con giống/năm. Nhờ NTTS mà đời sống của người dân cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân từ 50-140 triệu đồng/người/năm”.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh.

Nuôi cá lồng trên sông mang lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh.

Hiện, thôn Phú Ninh có 3 hộ nuôi cá lồng thâm canh còn lại là nuôi theo mùa vụ. Phần lớn người dân thả nuôi vụ mới sau Tết âm lịch và sẽ thu hoạch dần từ tháng 7-9 hàng năm. Đặc biệt là phải thu hoạch trước mùa mưa lũ để tránh thiệt hại. Sau khi các hộ nuôi thu hoạch xong sẽ đưa lồng bè vào vị trí quy định để nhường chỗ cho các hộ nuôi thâm canh có chỗ tránh trú an toàn.

Anh Hoàng Vũ Thuật, thôn Phú Ninh cho biết, một năm anh chỉ nuôi một vụ cá lồng trên sông với hơn 1.000 con cá chẽm và hơn 500 con cá dìa, cá nâu… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 50 triệu đồng. Cá lồng nuôi trên sông ở thôn Phú Ninh được đánh giá là ngon hơn cá nuôi ở những nơi khác nên được người dân rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cái khó nhất đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông là thời điểm gần mùa mưa lũ, số lượng cá cần xuất bán lớn nên dễ bị tư thương ép giá.

Anh Phạm Văn Thông là một trong số rất ít người nuôi cá lồng thâm canh ở thôn Phú Ninh. Theo anh Thông, nuôi cá lồng thâm canh trên sông giống như “canh bạc” may rủi, năm nào không xảy ra thiên tai thì thắng lớn, năm nào mưa lũ về thì coi như mất trắng. Hiện, gia đình anh đang nuôi ba bè cá với hơn 300 con cá chẽm (đã nuôi 2 năm có trọng lượng 3-4kg/con), 2.400 con cá chẽm nhỏ, 1.000 con cá dìa, trên 100 con cá chình. Năm nào nuôi thuận lợi, không xảy ra mưa lũ, gia đình anh thu về từ 120-150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Theo Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp NTTS thôn Phú Ninh Phạm Minh Đậu, nhiều năm trở lại đây, nghề NTTS trên sông đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân trong thôn. Với những lợi thế sẵn có, người dân luôn mong muốn mở rộng diện tích, đưa vào nuôi số lượng lớn các loại cá “đặc sản” có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay các hộ nuôi gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân chủ yếu bán cho các thương lái, nhà hàng trên địa bàn và tự bán ở chợ nên lượng tiêu thụ không ổn định. Người dân rất muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trong liên kết và xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận gần hơn với khách hàng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Ninh Hoàng Minh Tư cho biết, để hướng tới việc phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn các hộ nuôi liên kết thành lập Chi hội nghề nghiệp NTTS thôn Phú Ninh vào tháng 4/2024. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã tạo điều kiện cho 12 hội viên trong chi hội vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền trên 600 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/quang-ninh-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-trong-thuy-san-2218608/