Phát triển cây ăn quả có múi: Kiểm soát chặt để giảm rủi ro
Những năm gần đây, tình trạng tăng nóng diện tích cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh...) đang bộc lộ nhiều rủi ro về thị trường, chất lượng sản phẩm. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần cấp thiết thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm phát triển bền vững.
Diện tích, sản lượng liên tục tăng cao
Với hiệu quả kinh tế đạt 200 - 800 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đây cũng là nhóm cây trồng chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của nhiều tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những năm 2007 - 2008, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn TP chỉ khoảng hơn 2.000ha, tổng sản lượng trên dưới 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên đến nay, tổng diện tích cây có múi của TP lên tới gần 10.000ha (chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả toàn TP) với sản lượng khoảng 97.000 tấn/năm. Dự báo sản lượng tiếp tục tăng khi số cây trồng cách đây 2 - 3 năm sẽ cho khai thác.
Trong khi đó, tổng diện tích cây ăn quả có múi của cả nước hiện nay đạt 235.216ha. Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, diện tích cây có múi ở các tỉnh miền Bắc trong 10 năm trở lại đây tăng theo cấp số nhân, hiện đạt khoảng 121.000ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước. Đáng lưu ý, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi của cả nước tăng liên tục nhưng việc tiêu thụ hiện chủ yếu ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa, dẫn tới tiềm ẩn nỗi lo về thị trường tiêu thụ.
Ông Cao Văn Mai, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ), chủ vườn bưởi 300 gốc trên 20 năm tuổi chia sẻ: “Chỉ những loại bưởi có chất lượng cao mới tìm được chỗ đứng trên thị trường, còn lại rất khó tiêu thụ hoặc chỉ được giá thấp, trung bình 10.000 đồng/quả (tại vườn). Trong khi mới năm trước, giá bưởi tại vườn tối thiểu cũng được 20.000 đồng/quả”. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà, các giống cây có múi có nguồn gốc địa phương vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu; không ít giống đã thoái hóa, nhiều hạt; tỷ lệ các giống mới chọn tạo, giống nhập nội chưa cao.
Nâng chất sản phẩm, chú trọng khâu tiêu thụ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và địa phương cần làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường; rà soát, xây dựng quy hoạch canh tác, xác định chủng loại, quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung; chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng sản xuất giống cây tập trung tại các cơ sở quy mô lớn để hạn chế ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất, chất lượng cây trồng và kiểm soát được dịch bệnh.
Tại Hà Nội, mới đây TP đã ban hành “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” với kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ các địa phương 100% giống hoàn toàn sạch bệnh và là giống đầu dòng, cây giống bảo đảm Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013. TP cũng đang từng bước hình thành trung tâm giống cây ăn quả công nghệ cao, trong đó chủ lực là cây có múi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, Hà Nội sẽ phát triển cây có múi trong tầm kiểm soát, bao gồm kiểm soát diện tích trồng, chất lượng giống và sản phẩm đầu ra. Thời gian tới, Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng các vùng bưởi, cam hiện có, giữ vững thị trường tiêu thụ. Đến năm 2025, Hà Nội chỉ trồng mới 200ha với các giống: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi thồ Bạch Hạ. Cùng với hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thu hút DN đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin thị trường, gia tăng cảnh báo rủi ro để người dân không chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch chung. Cùng với đó, cần tích cực hơn trong việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
GS.TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam