Phát triển cây ăn quả ở Pu Nhi
Phát huy tiềm năng, lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, sang trồng các loại cây ăn quả hướng tới đa dạng mặt hàng nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Là xã vùng cao, Pu Nhi nằm trong khu vực đồi núi có khí hậu đặc trưng thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng thời, với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 40 phút di chuyển... Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả tập trung tại Pu Nhi.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao Pu Nhi, nhiều năm trở lại đây cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực đẩy mạnh truyền thông, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những nương ngô, sắn kém hiệu quả trên đất dốc dần được phủ xanh, thay bằng những nương cây ăn quả lâu năm. Cây ăn quả được phát triển chủ yếu là lê, mận, đào, mắc cọp… Việc phát triển mô hình trồng cây ăn quả được xem là hướng đi mới phát triển kinh tế hộ gia đình nơi đây.

Các loại hoa quả được người dân Pu Nhi bày bán tại nhà.
Ông Nguyễn Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Pu Nhi cho biết, những năm qua, UBND xã đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình liên kết, triển khai trồng, mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả... Năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca, lê vàng tới các hộ dân trên địa bàn. Theo đánh giá sơ bộ, diện tích cây ăn quả lâu năm phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài các loại cây ăn quả lâu năm truyền thống như đào, mận, mắc cọp thì người dân Pu Nhi phát triển thêm cây lê vàng. Chỉ tính riêng diện tích trồng lê vàng đã đạt hơn 40ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là chợ phiên Pu Nhi hoặc các chợ truyền thống khu vực TP. Điện Biên Phủ cũ.

Cây lê vàng được trồng trên diện tích chuyển đổi nương ngô, sắn cũ của người dân bản Háng Trợ.
Anh Hạng A Tủa, bản Háng Trợ, xã Pu Nhi chia sẻ: Từ 2023, gia đình dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích nương xa, trồng sắn, ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm xen canh cùng các loại cây ăn quả ngắn ngày như dưa mèo, bí... Với diện tích khoảng 3.000m2, trồng gần 300 gốc lê vàng, sang năm 2026, nếu thời tiết thuận lợi, phát triển tốt thì nhiều cây bắt đầu bói quả.
Là một trong những hộ chuyển đổi trồng cây ăn quả lâu năm sớm nhất xã Pu Nhi, ông Lò Văn Dung, bản Nậm Ngám sở hữu vườn cây ăn quả với các loại như đào, mận, mắc cọp… Mùa nào thức đấy, cây ăn quả được thu hái, cân tại vườn cho thương lái hoặc bán lẻ tại chợ. Giá bán dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại cũng như kích cỡ sản phẩm, mỗi năm từ vườn cây ăn quả gia đình ông Dung thu về hàng trăm triệu đồng.

Người dân bản Nậm Ngám thu hái lê.
Ông Lò Văn Dung chia sẻ: Nhà neo người nên diện tích nương của gia đình đa phần đều chuyển đổi trồng cây ăn quả lâu năm. Cả vườn trồng khoảng 1.000 gốc các loại, hiện tại gia đình đang thu hoạch 300 gốc lê, trung bình đạt 1 tạ/cây/vụ, với giá bán 15.000 đồng/kg đem lại thu nhập khá cho kinh tế của gia đình.
Việc phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả những năm qua tại Pu Nhi góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh kế của người dân. Với các giống cây lâu năm có giá trị cao góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững vùng cao.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/phat-trien-cay-an-qua-o-pu-nhi