PHÁT TRIỂN CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ - CÔNG CỤ ĐẮC LỰC PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tham gia thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về việc sử dụng chữ ký điện tử. Quan tâm đến nội dung này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để phát triển chữ ký điện tử, qua đó đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, bắt kịp nhịp phát triển của nền kinh tế số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/4: HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Làm rõ trách nhiệm pháp lý trong quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, tham gia thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nội dung về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Dự thảo Luật trình Hội nghị đã quy định nội dung này tại Điều 26 về Điều 26. Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ. Cụ thể, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của Chính phủ. Chữ ký số chuyên dùng công vụ phải đáp ứng quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với chữ ký số. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tham gia ý kiến về quy định này, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, quy định này chưa phân định rõ giữa hoạt động công vụ liên quan đến quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ với hoạt động đầu tư kinh doanh. Đại biểu đề nghị đối với quản lý nhà nước cũng như các hoạt động nghiệp vụ đối với chữ ký số chuyên dùng công vụ, cần tách riêng nội dung và thậm chí có thể chỉ cần quy định dẫn chiếu sang các luật hiện hành, tránh chuyện không rõ giữa hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động nghiệp vụ cũng như là hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, là vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác đối với quá trình thực thi công vụ. Đại biểu phân tích, về cơ sở chính trị, pháp lý đối với chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Nghị quyết 56/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xác định rất rõ "lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại".

Đồng thời tại Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 09/2014, Nghị định số 130/2018, Thông tư số 185/2019 của Bộ Quốc phòng đã thể chế đầy đủ nội dung này và luôn nhất quán quan điểm "Ban cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Dùng mật mã và chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng hạ tầng, bảo đảm cung cấp dịch vụ và quản lý thống nhất hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị". Quan điểm này đã quy định rất rõ, phân biệt Ban cơ yếu Chính phủ với những tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thông thường.

Do vậy, đại biểu nhấn mạnh, cần thiết phải phân tích, làm rõ hơn nữa về mặt tổ chức thực hiện, trách nhiệm pháp lý, an toàn, an ninh quốc gia đối với đơn vị cung cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ tại Điều 7, Điều 26, bằng cách bổ sung rõ trong dự thảo luật nhiệm vụ của Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Chia sẻ quan điểm về quy định này, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan hữu quan chưa được làm rõ, đồng thời đề nghị trước hết cần quy định vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lĩnh vực cơ yếu, đồng thời cần quy định vai trò của Ban Cơ yếu trong Điều 26 và Điều 7 để làm rõ trách nhiệm tổ chức, đảm bảo tính thống nhất trong quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện phát triển chữ ký điện tử - công cụ đắc lực phục vụ chuyển đổi số

Quan tâm đến nội dung này trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu rõ, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp hơn với tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, công dân số và Chính phủ số đang hình thành và phát triển trong tương lai.

Qua thực tế giải quyết các vụ việc, Luật sư Trần Hoàng Vũ cho biết, dù luật Giao dịch điện tử hiện hành đã quy định chi tiết về thông điệp dữ liệu, nhưng chưa quy định với hồ sơ điện tử. Trong khi đó, quá trình thực hiện các giao dịch điện tử trong thực tế thường phát sinh nhiều thông điệp dữ liệu, các văn bản điện tử và hình thành hồ sơ điện tử, các giao dịch đảm bảo của các ngành tài chính, ngân hàng, hải quan, bảo hiểm… luôn hình thành hồ sơ điện tử và hiện trạng đảm bảo an toàn cho hồ sơ điện tử.

Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Do vậy, Luật sư Trần Hoàng Vũ cho rằng, việc bổ sung, chỉnh lý đảm bảo quy định đầy đủ, toàn diện về hồ sơ điện tử, hiện trạng đảm bảo an toàn cho hồ sơ điện tử, chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, pháp lý của chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử là rất cần thiết.

Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ cùng các chuyên gia, việc sử dụng chữ ký số, các dịch vụ chứng thực chữ ký số đã tạo điều kiện cho việc phát triển, sử dụng mạnh mẽ văn bản điện tử, khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử và phát triển giao dịch điện tử. Từ thực tiễn giải quyết các vấn đề pháp lý cho thấy, quá trình thực tiễn sử dụng chữ ký số đã phát sinh các vấn đề cần giải quyết về quy định đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng và nguyên tắc chữ ký số, về nghĩa vụ, trách nhiệm của người ký chữ ký số với nghĩa vụ của bên chấp thuận là các tổ chức ngành ngoại giao, ngân hàng, chứng khoán… có yêu cầu bảo mật cao, chỉ sử dụng mạng nội bộ dùng riêng, không kết nối qua môi trường mạng Internet sẽ không thể thực hiện được việc kiểm tra trạng thái chứng thư số và kiểm tra hiệu lực chứng thư số theo quy định. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu để khắc phục các vấn đề này.

Đưa ra góc nhìn thực tế về quy định đối với nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, các loại chữ ký điện tử khác vẫn nên được coi là có giá trị pháp lý và có giá trị xác nhận giao dịch của các bên tham gia. Chữ ký số chỉ có giá trị tin cậy (giá trị chứng minh) cao hơn so với các loại chữ ký khác (do được chứng thực bởi một bên thứ ba). Do vậy, cần quy định theo hướng các bên tham gia có quyền thỏa thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thông điệp dữ liệu được ký bằng chữ ký số có giá trị chứng cứ (mặc nhiên có giá trị), trừ khi có bằng chứng thể hiện điều ngược lại.

Hội thảo về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do VCCI tổ chức

Hội thảo về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do VCCI tổ chức

Quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng khẳng định, chữ ký số là một trong những công cụ đắc lực nhất cho phục vụ chuyển đổi số. Do đó, khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số cần hướng đến hai tiêu chí là tập trung vào bối cảnh xung quanh công đoạn ký, làm rõ được danh tính, ý định ký và thao tác thêm chữ ký vào thông điệp dữ liệu của chủ thể; cùng với đó cân đối giữa rủi ro của giao dịch điện tử và tiện ích, chi phí đối với các chủ thể tham gia giao dịch.

Theo các chuyên gia, chữ ký số nói riêng và chữ ký điện tử nói chung cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực quốc tế, khi hiện chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, chưa xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cần có chiến lược và quy hoạch đảm bảo về chất lượng và độ tin cậy cao, chi phí hợp lý, mức độ phổ cập rộng. Do đặc thù đảm nhiệm được vai trò là hạ tầng pháp lý của giao dịch điện tử, công nghệ với độ tin cậy cao, với hệ thống tiêu chuẩn đầy đủ cả về pháp lý và kỹ thuật, đã sẵn sàng là con dấu của tổ chức, doanh nghiệp và chữ ký của cá nhân ở mọi mức độ ứng dụng của giao dịch điện tử.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74651