Phát triển điện mặt trời mái nhà bộc lộ nhiều hạn chế, vi phạm

Bộ Công thương vừa ban hành kết luận về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại 10 đơn vị điện lực trên cả nước (nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185/TTg-CN, ngày 9/2/2021) cho thấy một số hạn chế, vi phạm cần có biện pháp khắc phục...

Cụ thể, Bộ Công thương đã triển khai Kế hoạch kiểm tra phát triển điện mặt trời tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều sai phạm ở các công ty điện lực tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể, tại Công ty Điện lực Bình Dương, có vi phạm về thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu.

Phát triển điện mặt trời mái nhà- bộc lộ nhiều hạn chế vi phạm. Ảnh: TL

Việc này xảy ra tại hệ thống ĐMTMN tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty CP Mai Sơn Lâm.

Tại Công ty Điện lực Ninh Thuận, vi phạm thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN khi vượt quá thời hạn quy định tại các hệ thống ĐMTMN của Công ty cổ phần Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm, khách hàng có mã PB18020044373.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện việc thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN. Cụ thể, 30% tấm quang điện được lắp đặt trên khung giá đỡ nhưng không có mái nhà. Việc này xảy ra tại cụm công trình của các chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Minh Cường, Công ty TNHH Năng lượng Anh Tuấn, Công ty TNHH Điện năng Bình Minh Ninh Thuận, Công ty TNHH Quốc Thắng Ninh Thuận thuộc thôn Bầu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận...

Theo Bộ Công thương, việc phát triển điện mặt trời trong thời gian qua còn tồn tại một số bất cập như: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải. Việc phát triển ĐMTMN trong thời gian vừa qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng độ tin cậy cung cấp điện.

Trước những sai phạm liên quan phát triển ĐMTMN, Bộ Công thương kiến nghị các công ty điện lực được kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình phát triển các dự án/hệ thống ĐMTMN như chấp thuận, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, đưa vào phát điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng, mua bán điện theo đúng, đủ quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với EVN, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để xử lý các dự án/hệ thống ĐMTMN.

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan thực hiện trách nhiệm, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và các quy định khác của pháp luật có liên quan để hậu kiểm quá trình phát triển ĐMTMN theo đúng thẩm quyền./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-boc-lo-nhieu-han-che-vi-pham-102569.html