Bắc Ninh: Quyết tâm xóa sổ ô nhiễm Phong Khê, trả lại môi trường trong lành
là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu, tại Hội nghị đối thoại với các cơ sở doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê, diễn ra vào chiều 5/9/2024 tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiếu, phường Phong Khê có 326 cơ sở sản xuất giấy. Trong đó, 228 cơ sở hoạt động ngay trong khu dân cư và trên đất vi phạm. Mặc dù các cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động của phường, nhưng phần lớn không có hợp đồng lao động và không được đóng bảo hiểm đầy đủ. Vấn đề đáng quan ngại hơn cả là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các cơ sở này gây ra.
Sau khi Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thông qua vào tháng 3 năm 2022, UBND thành phố Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là kiên quyết thực hiện di dời các hộ sản xuất theo lộ trình của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, thành phố sẽ trình UBND tỉnh hỗ trợ về kinh tế không quá 200 triệu đồng/hộ di dời, và giới thiệu các địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai để đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và của tỉnh Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động (có nhu cầu), đảm bảo mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương cũ tại các cơ sở sản xuất giấy. Hiện còn 132 đơn vị hoạt động, Đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu, tháng 9 sẽ kiểm tra 50 đơn vị, tháng 10 kiểm tra 50 đơn vị, tháng 11 là toàn bộ các đơn vị sản xuất giấy còn lại...
Đại diện người dân và doanh nghiệp Phong Khê, ông Phạm Ngọc Long cho biết, người dân Phong Khê cơ bản đều đồng lòng ủng hộ đề án xử lý ô nhiễm môi trường mà tỉnh và thành phố đã đề ra, nhưng mong muốn chính quyền cho thêm thời gian để giải quyết các vấn đề tồn đọng như: Hàng hóa, nợ nần và ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Long cũng đề nghị UBND thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ, đồng thuận và kiến nghị về việc nhà máy xử lý nước thải hiện chưa đảm bảo công suất, mới chỉ tiếp nhận nước đã qua xử lý sơ bộ.
Về phía chính quyền, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Đoàn kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra của thành phố, đoàn không có chức năng đóng cửa mà chỉ tham mưu đóng cửa các cơ sở vi phạm về môi trường. Việc cắt điện các cơ sở vi phạm là đúng quy định.
Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: "Nếu người dân có sự chuẩn bị từ 4 năm trước khi có thông báo, chúng ta đã không phải gấp rút như vậy. Nói đến Phong Khê, chúng ta muốn đó là một thương hiệu quốc gia, chứ không phải gắn liền với ô nhiễm. Thành phố đang nỗ lực tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ Phong Khê phát triển bền vững. Chúng tôi trân trọng những sản phẩm, những giá trị của Phong Khê đã mang lại, nhưng không thể vì thế mà làm ngơ trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang tồn tại hàng ngày tại đây...”.
Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Văn Chinh, Tổng Giám đốc của Onsen Fuji Bắc Kạn đã chia sẻ về những cơ hội mới tại Cụm công nghiệp Quảng Chu, để người dân có thể đến tìm hiểu và chuẩn bị lộ trình di dời cơ sở đến nơi mới. Ông Chinh cũng gửi đến thông điệp cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp tại Phong Khê để sớm ổn định sản xuất.