Phát triển đô thị Phan Thiết gắn với du lịch
Chương trình phát triển đô thị TP. Phan Thiết đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đã đề ra danh mục, lộ trình đầu tư các khu vực phát triển cho đô thị này. Ngay giai đoạn 2021 - 2025, địa phương sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng khung nhằm tạo động lực phát triển, từ đó kết nối phát triển du lịch, đô thị và cảng hàng không. Đồng thời thực hiện cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (từ khu vực Phú Hài đến hết ranh phía đông bắc thành phố)…
Phát triển đô thị Phan Thiết gắn
Ngoài khu đô thị truyền thống 2 bên sông Cà Ty, TP. Phan Thiết còn định hướng phát triển khu du lịch quốc gia, đô thị phía bắc, gồm: Khu đô thị dịch vụ thương mại du lịch Phú Hài - Thiện Nghiệp (diện tích khoảng 8.617 ha), Khu du lịch quốc gia Mũi Né (địa bàn phường Hàm Tiến và Mũi Né, khoảng 4.245 ha). Trong đó, Khu đô thị dịch vụ thương mại du lịch Phú Hài - Thiện Nghiệp tập trung khai thác lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các khu đô thị gắn với dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng… Với Khu du lịch quốc gia Mũi Né có chức năng là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển mang tầm quốc gia và đẳng cấp quốc tế. Cùng với khu vực các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình) và xã Hòa Phú (Tuy Phong) sẽ hình thành không gian tổng thể Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được phê duyệt.
Trong tương lai gần, TP. Phan Thiết còn phát triển khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng phía nam trên địa bàn 2 xã Tiến Thành và Tiến Lợi (gần 5.660 ha) và đây cũng là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí… Vì vậy song song với đầu tư phát triển đô thị cũng như hoàn thiện Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo quy hoạch, địa phương sẽ triển khai mở rộng các dự án du lịch ven biển phía nam thành phố tại khu vực xã Tiến Thành. Trong đó chú trọng đầu tư hệ thống quảng trường biển gắn với các bến du thuyền du lịch phục vụ phát triển trung tâm du lịch thể thao biển, thuyền buồm, thủy phi cơ…
Từ tiềm năng và lợi thế, Bình Thuận hướng tới vươn lên từ kinh tế biển (được xem là ngành kinh tế tổng hợp) - năng lượng - du lịch, trong đó Phan Thiết vẫn là khu vực trung tâm. Với việc phát triển đô thị Phan Thiết gắn với du lịch, thành phố biển tiếp tục là “đầu tàu” trong thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách của tỉnh. Thống kê đến nay, trên địa bàn Phan Thiết có 318 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động (chiếm gần 55% so toàn tỉnh) với 11.550 phòng (chiếm hơn 70% tổng số phòng của tỉnh). Tính riêng quý I/2021, địa bàn này đã đón khoảng 871.000 lượt khách (chiếm 84,5% so toàn tỉnh), đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng (bằng 85% tổng doanh thu cả tỉnh)… Hiện Bình Thuận cũng đang xúc tiến xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo ra cơ hội mới cho địa phương vươn lên xứng tầm. Trao đổi về vấn đề này, đại diện đơn vị tư vấn có gợi ý trong đầu tư xây dựng công trình cơ bản không chỉ phát huy công năng sử dụng. Bởi các công trình nếu được thiết kế mang lại giá trị mỹ thuật và giá trị văn hóa, điều đó sẽ góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương.
Chương trình phát triển đô thị TP. Phan Thiết cũng xác định khu đô thị truyền thống 2 bên sông Cà Ty có diện tích khoảng 2.147 ha, phân bố 2 bên bờ sông gồm khu vực nam sông Cà Ty (các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long) và khu vực bắc sông Cà Ty (phường Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Phú Thủy, Thanh Hải, Phú Tài, Xuân An và xã Phong Nẫm). Vì là khu vực các phường lõi trung tâm nên ưu tiên cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, hạn chế đầu tư xây dựng mới các khu đô thị, khu dân cư, công trình cao tầng… Ngoài ra đô thị Phan Thiết còn tính đến mở rộng không gian đô thị lõi sang các khu vực thị trấn Phú Long, xã Hàm Thắng, một phần xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) và một phần xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam).