Phát triển đô thị theo hướng bền vững
Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 4/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2021 (Nghị quyết 02) đã xác định mục tiêu xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị đảm bảo tính bền vững, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển đô thị toàn quốc, phát triển đồng bộ các yếu tố của đô thị gắn với quy hoạch khu vực phụ cận. Trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc quy hoạch phải đi trước một bước, những năm qua tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị bền vững.
Trong số 9 dự án nhận tài trợ từ Quỹ WARM, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là một trong những thành phố đầu tiên được chọn để thực hiện thí điểm Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”. Thông qua Quỹ WARM, dự án “Thành phố xanh, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ. Mục tiêu nhằm hỗ trợ TP. Đông Hà theo đuổi tăng trưởng KT - XH xanh, bao trùm và phát triển bền vững. Theo đó, dự án sẽ khắc phục những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng hiện có như xây kè quanh hói Sòng, kè bờ Tây sông Thạch Hãn và bờ Bắc sông Vĩnh Phước, cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ, cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây, nâng cấp hạ tầng Nam sông Hiếu. Đồng thời cải tạo chỉnh trang các tuyến phố dọc hai bên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua TP. Đông Hà, nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình cho các bên liên quan. Dự kiến tháng 6/2022, sẽ có đầy đủ báo cáo cuối cùng để trình phê duyệt đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Phạm Văn Dũng, thành phố nằm ở vị trí địa lý và địa hình chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, do đó hạn hán, lũ lụt và nước mặn xâm nhập đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Bởi vậy, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là rất quan trọng, giúp thành phố tăng cường khả năng chống chịu và có điều kiện phát triển kinh tế.
Ngoài TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị đã, đang thực hiện việc định hướng phát triển đô thị theo hướng ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung vào các nội dung rà soát quy hoạch chung thị xã, lập các quy hoạch phân khu các phường, lập quy hoạch chi tiết các khu vực. Trong đó chú trọng đảm bảo việc thiết lập cao độ san nền phù hợp, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật mang tính kế thừa và đồng bộ. Thị xã cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn, lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong quá trình thẩm định quy hoạch xây dựng đối với các đồ án lập mới hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị cũng là hai địa phương đã và đang triển khai rà soát, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, xây dựng văn minh đô thị…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02, hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị đã có nhiều bước phát triển tích cực. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 13 đô thị, gồm TP. Đông Hà đã đủ điều kiện đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Quảng Trị có 1 tiêu chí và nhiều tiêu chuẩn đạt đô thị loại III , 4 đô thị cơ bản đạt loại IV (các thị trấn: Khe Sanh, Lao Bảo, Hồ Xá, Cam Lộ), 7 đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V (các thị trấn: Diên Sanh, Ái Tử, Gio Linh, Krông Klang, Cửa Việt, Cửa Tùng, Bến Quan); 8 khu vực phát triển đô thị theo định hướng của Nghị quyết số 02. Ngoài ra, tỉnh cũng đã được quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch xây dựng 5 đô thị mới là Bồ Bản, Hướng Phùng, Tà Rụt, Lìa, La Vang làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư phát triển. Tổng dân số đô thị toàn tỉnh là 210.960 người, tỉ lệ đô thị hóa đã tăng từ 29,87% năm 2016 lên 32,56% năm 2021.
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị đạt 27.015 ha chiếm khoảng 5,7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tăng 0,58%). Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT - XH được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hoàn chỉnh hơn, chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Các đô thị, khu vực phát triển đô thị phát triển có sự gắn kết thuận lợi dựa trên hệ thống khung giao thông phát triển, mở rộng, nâng cấp nhiều trong những năm gần đây tạo thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều giữa các vùng miền và rõ nét trên 4 trục giao thông - đô thị chính. Đến nay, tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 80%, quy hoạch chi tiết đạt gần 40%.
Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, trong những năm tới, tỉnh tiếp tục quy hoạch, xây dựng và phát triển hợp lý hệ thống đô thị tỉnh, tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, theo định hướng mô hình mạng lưới. Tăng cường liên kết giữa các đô thị, coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại, tiếp cận tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển các đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển các vùng, tiểu vùng. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, nâng cao tỉ lệ đô thị hóa trên cơ sở thu hút lao động về đô thị. Phát triển không gian các đô thị khu vực trung tâm, ven biển, tăng cường khả năng cạnh tranh, hội nhập trong khu vực Bắc Trung Bộ và trên các hành lang kinh tế lớn.