Phát triển đồng hành cùng bà con vùng biên giới

Lên vùng biên giới Ðức Cơ của tỉnh Gia Lai những ngày này không còn cảnh nắng cháy, gió rát và bụi đỏ bay mù mịt nữa, thay vào đó là những cánh rừng cao-su đang mùa thay lá rất đẹp, những vườn cà-phê xanh tốt, hoa trắng bạt ngàn. Hai bên đường, những thôn làng trù phú, những ngôi nhà mới xây sạch đẹp, khang trang, những chiếc xe công nông, xe tải chở hàng hóa qua lại rất nhiều, minh chứng cho sự phát triển và đời sống của bà con địa phương đầy đủ, no ấm.

Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) đến thăm, hỗ trợ gạo cho bà con dân tộc thiểu số địa phương trên địa bàn đóng quân.

Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) đến thăm, hỗ trợ gạo cho bà con dân tộc thiểu số địa phương trên địa bàn đóng quân.

Gặp chúng tôi trong chuyến công tác kiểm tra cơ sở thôn làng, đồng chí Vũ Mạnh Ðịnh, Chủ tịch UBND huyện Ðức Cơ chia sẻ: Mặc dù thời gian gần đây giá mủ cao-su xuống thấp, doanh thu gặp khó khăn, nhưng Công ty 75 vẫn luôn hướng về đời sống bà con địa phương và người lao động. Ngoài hỗ trợ cây giống, phân bón, hỗ trợ gạo mùa giáp hạt, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và đào tạo "tay nghề" thợ cạo mủ, Công ty 75 (Binh đoàn 15) còn thực hiện hiệu quả mô hình "Cây lúa trên đất cao-su tái canh", gần đây nhất là phong trào "Tết quân dân"… rất ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, là dịp để quân và dân trên địa bàn nói chung vùng biên giới huyện Ðức Cơ nói riêng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi phên giậu của Tổ quốc.

Ðến xã Ia Din (huyện Ðức Cơ) đã gần 11 giờ trưa, nhưng quang cảnh trong làng thanh vắng lạ, hỏi ra mới biết "đây là giờ cao điểm để công nhân, người lao động đi bón phân chăm sóc cây cao-su và cà-phê". Gặp chúng tôi, ông Rơ Mah Pen già làng Nerl bộc bạch: Cái mới nhất và thành công nhất của người Gia Rai mình là bà con không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao-su, cà-phê, hồ tiêu…, mà còn biết và thay đổi phương thức canh tác sản xuất, thời gian lao động. Từ "chặt, đốt, chọc, tỉa", du canh, du cư, họ đã chuyển sang nhận khoán vườn cây, cày xới đất làm vườn, chọn cây giống, bón phân, để tăng năng suất, tăng thu nhập. Không những trao cho người dân chiếc "cần câu" là những vườn cao-su, cà-phê đang tuổi khai thác, thu hoạch, mà Công ty 75 còn tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng nghìn người lao động. Từ tay không đói nghèo, lạc hậu nay bà con ai cũng có cao-su, cà-phê, hồ tiêu… cho thu nhập cao.

Vừa đầu tư phát triển sản xuất, Công ty 75 còn đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh. Từ năm 2022 đến nay, Công ty 75 đã đào tạo cho gần 1.000 lượt thợ cạo mủ cao-su cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 49 con bò giống sinh sản gần 94 triệu đồng; hỗ trợ chương trình Nâng bước em đến trường 97 triệu đồng; sửa chữa nâng cấp đường giao thông, làm nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tổ chức ăn Tết với dân, tặng quà gia đình chính sách, người nghèo với tổng kinh phí hơn 14,7 tỷ đồng… Cùng với đó, Công ty 75 còn tích cực hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức một số lễ hội như: bỏ mả, đâm trâu, mừng lúa mới..., góp phần phục hồi, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị, với Binh đoàn 15.

Ðại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 cho biết: Vượt lên khó khăn, chúng tôi đã góp phần chăm lo cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, cho nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh đã sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công. Ðến nay, đã có 351 cặp hộ người Kinh và hộ bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn đơn vị đứng chân đã tự nguyện gắn kết, họ giúp nhau hiểu biết thêm về văn hóa, truyền thống đất nước, dân tộc; giúp nhau phát triển kinh tế; 100% số hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở đây ngoài nhận khoán vườn cây của công ty, nhà nào cũng trồng thêm từ 500 đến 5.000 cây cao-su, cà-phê, hồ tiêu, số lượng nuôi bò, heo ngày một nhiều thêm. Thu nhập của người dân trung bình khoảng từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, nhiều gia đình giàu lên có thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm, như gia đình Brao, Kpui Chel, Rơ Ma Doah... Phong trào thi đua "quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", được cán bộ, công nhân, người lao động và bà con địa phương đồng tình hưởng ứng và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố tình cảm, mối quan hệ quân dân, "mặt trận lòng dân" ngày càng vững chắc.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-dong-hanh-cung-ba-con-vung-bien-gioi-post740575.html