Phát triển du lịch bền vững ở Hà Tĩnh

Với nguồn tài nguyên về hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học, hệ thống di sản vật thể và phi vật thể giàu bản sắc cùng sự quyết tâm của các cấp, ngành, tỉnh Hà Tĩnh đang mở rộng những cơ hội mới cho phát triển du lịch bền vững.

“Nguyên liệu” du lịch dồi dào

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 5.994,45 km2, dân số gần 1,3 triệu người. Địa hình đa dạng với đồi núi, đồng bằng, bãi biển; hệ sinh thái phong phú gồm: 199.847 ha rừng tự nhiên và 76.156 ha rừng trồng, độ che phủ của rừng đạt 45%, nhiều loại thực vật quý, nhiều loại động vật ghi vào sách đỏ và quý hiếm như: sao la, hổ, báo, hươu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi... Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, gồm nhiều cửa sông lớn với nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.

Hồ Ngàn Trươi và Vườn quốc gia Vũ Quang là điểm đến giàu tiềm năng để phát triển du lịch.

Hồ Ngàn Trươi và Vườn quốc gia Vũ Quang là điểm đến giàu tiềm năng để phát triển du lịch.

Hà Tĩnh có nhiều ngọn núi, con sông lớn mang vẻ đẹp riêng như: núi Hồng Lĩnh, núi Long Ngâm, sông La, sông Lam, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Rào Cái... Nhiều hồ nước có dung tích lớn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: hồ Ngàn Trươi gắn với vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), hồ Cửa Thờ, Trại Tiểu (Can Lộc), đập Đồng Quốc (Nghi Xuân)... Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có suối nước nóng Sơn Kim là 1 trong 400 nguồn nước nóng tự nhiên đạt tiêu chuẩn cao của cả nước, phù hợp với trị liệu sức khỏe...

Gắn với thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái phong phú, Hà Tĩnh có bề dày lịch sử hàng nghìn năm tạo nên vùng đất và cộng đồng giàu bản sắc. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng đã được cả nước và quốc tế biết đến như: di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân), di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (Thạch Hà) có niên đại 4.000-5.000 năm, chùa Hương Tích (Can Lộc), đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh), Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn), căn cứ địa Vũ Quang nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, chùa Quỳnh Viên (Thạch Hà) nơi ghi dấu phát tích Phật giáo của Việt Nam, những di tích gắn với các danh nhân, địa chỉ nổi tiếng như: Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, các Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; Ngã ba Đồng Lộc ...

Toàn tỉnh hiện có 638 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; có 3 bảo vật quốc gia là bia Sùng Chỉ, súng Thần Công và chuông Chùa Rối; 69 lễ hội với 3 lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 5 di sản được UNESCO ghi danh (dân ca ví, giặm; ca trù; Hoàng Hoa sứ trình đồ; Mộc bản Trường học Phúc Giang; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu). Hà Tĩnh cũng đã lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới.

Hiện nay, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM, hướng đến năm 2025 đạt tỉnh NTM. Toàn tỉnh đã có 8/13 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; xây dựng thành công 237 sản phẩm đạt chuẩn OCOP... Cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị ngày càng khang trang, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhân dân bảo tồn, lưu giữ, phát triển và lan tỏa các giá trị bản sắc của làng nghề, văn hóa làng quê...

Căn cứ tại khoản 14, Điều 3 Luật Du lịch 2017, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về KT-XH và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai, thì tất cả những điều kiện trên là nguồn tài nguyên dồi dào để Hà Tĩnh phát triển du lịch bền vững.

Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Thiên nhiên tươi đẹp “non xanh, nước biếc”, hệ sinh thái phong phú, đa dạng cùng với bản sắc riêng biệt của con người Hà Tĩnh và những giá trị di sản văn hóa của quê hương là nguồn “nguyên liệu” dồi dào sẵn có để phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, việc Hà Tĩnh “đi sau” trong phát triển du lịch là một lợi thế. Bởi, cho đến nay, nhiều di tích, làng quê, núi rừng, làng nghề, phong tục tập quán... của Hà Tĩnh vẫn giữ được những nét nguyên bản, chưa bị can thiệp, xâm lấn nhiều từ cuộc sống hiện đại”.

Rộng mở những hướng đi

Cùng với tài nguyên du lịch, Hà Tĩnh cũng đã tích cực vào cuộc với các chương trình hành động để phát triển du lịch bền vững. Trong đó, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa gần đây đều xác định, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vừa qua, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định: Du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/4/2023 về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch khác tại điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...

Kế hoạch xác định lựa chọn xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) là điểm để đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh. Đồng thời lựa chọn thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, Vũ Quang), bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, để tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản số 3774/UBND-NL5 ngày 20/7/2023 về việc giao triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn). Đây là thôn vừa được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, cùng với ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều đoàn farmtrip, mời đại diện lãnh đạo các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông thôn tham quan học tập các tỉnh Tây Bắc và một số địa phương khác. Đồng thời, sở cũng tổ chức mời, đón tiếp các đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế khảo sát các điểm đến ở Hà Tĩnh. Gần đây nhất là đón đoàn khảo sát từ các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) làm việc tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Cẩm Xuyên”.

Một tín hiệu vui là trong chuyến khảo sát tại các điểm đến nói trên, các chuyên gia ADB đánh giá rất cao tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch NTM của Hà Tĩnh. Do đó, thay vì chỉ hướng đến một lĩnh vực, các chuyên gia ADB sẽ lên kế hoạch đầu tư vào nhiều loại hình du lịch bền vững khác nhau ở Hà Tĩnh.

Với tiềm năng, lợi thế, cùng những chủ trương và hành động quyết tâm đang mở ra nhiều cơ hội trong phát triển du lịch bền vững của Hà Tĩnh. Song, phát triển du lịch bền vững cần từng bước, không nóng vội làm mất đi những giá trị của bản sắc tài nguyên, bản sắc văn hóa vùng miền. Các cấp, ngành, địa phương cần nhận thức đúng bản chất và nỗ lực hơn trong quá trình triển khai.

TK

(Theo baohatinh.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/phat-trien-du-lich-ben-vung-o-ha-tinh/205596.htm