Phát triển du lịch cộng đồng ở Tân Sơn

Là một trong 15 Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam, Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) được xác định là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng tỉnh Phú Thọ mà còn của cả vùng Tây Bắc với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất, hệ sinh thái đa dạng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Mường, người Dao... Khai thác tiềm năng lợi thế đó, huyện Tân Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Du khách tham gia đạp xe trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống người dân địa phương vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Du khách tham gia đạp xe trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống người dân địa phương vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Xuân Sơn lần thứ V, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn xã có 11 homestay đi vào hoạt động với 45 phòng khép kín, 12 phòng cộng đồng, có khả năng phục vụ khoảng 700 lượt khách qua đêm ăn, ngủ, nghỉ với các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào như: Rượu men lá, vịt suối Tân Sơn, xôi ngũ sắc... Điều thuận lợi là phát triển du lịch giúp người dân không phải đi làm ăn xa nên khi xã có chủ trương, nhiều người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,8%, cận nghèo giảm còn 22,5%.

Đồi chè Long Cốc - điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Phú Thọ.

Đồi chè Long Cốc - điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Phú Thọ.

Là điểm tham quan, du lịch mới của tỉnh Phú Thọ, Long Cốc là tập hợp của hàng trăm quả đồi có hình bát úp nằm nối tiếp nhau. Diện tích đồi chè ở đây lên đến 677ha, trong đó diện tích trồng chè để thu hoạch khoảng 610ha. Thu hút du khách bằng quang cảnh nên thơ, đẹp như tranh vẽ, đồi chè Long Cốc đã trở thành điểm đến nổi bật của tỉnh Phú Thọ, nhất là với những du khách yêu thích chụp ảnh tới “săn mây”, ngắm bình minh trên đồi chè. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng du lịch, địa phương đã khai thác và đưa các hộ sản xuất chè vào hoạt động du lịch. Người nông dân được hướng dẫn làm du lịch, biến công việc hằng ngày thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Toản- Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, để đáp ứng nhu cầu và số lượng du khách ngày càng tăng, UBND huyện đã quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình du lịch từ các hộ gia đình địa phương. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh công nhận các điểm du lịch trên địa bàn huyện gồm điểm du lịch cộng đồng bản Dù, điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi, điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc. Đồng thời, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các biển, bảng, pano, tờ rơi quảng bá du lịch tại các điểm du lịch; xây dựng, cải tạo các con đường hoa tại Xuân Sơn. Hiện nay, 3/3 điểm du lịch đều đã ban hành quy chế hoạt động; các hoạt động đón khách, giới thiệu điểm, ăn, nghỉ phục vụ du khách được thực hiện nền nếp, đảm bảo đúng quy định.

Đặc biệt, nhằm kết nối hoạt động phát triển du lịch, gắn với du lịch văn hóa cộng đồng, phát triển sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, UBND huyện đã triển khai bảo tồn các giá trị loại hình văn hóa tiêu biểu đặc sắc tại các khu, điểm du lịch như: Nhà ở, trang phục, lễ hội, diễn xướng văn hóa dân gian tại các xã Long Cốc, Kim Thượng, Xuân Đài, Xuân Sơn, Đồng Sơn. Triển khai hiệu quả chương trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch như: Chương trình nuôi gà nhiều cựa, gà ri, gà đồi, vịt suối, nuôi lợn lửng, lợn rừng lai, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, dê và sản xuất chè xanh chất lượng cao... Chú trọng bảo tồn chế biến các sản phẩm ẩm thực truyền thống như cỗ lá, cơm lam, xôi nhiều màu, rêu đá, cá suối, rau xôi, thịt chua, cá thính, rượu ngô, rượu cần, rượu hoẵng, rượu cẳm, rượu ống, bánh ú, bánh nẳng, bánh trứng kiến, bánh ngạt... Quan tâm sản xuất các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc dân tộc từ nghề dệt thổ cẩm (quần, áo, khăn, túi, chăn, gối, đệm...), đan lát thủ công và dụng cụ phục vụ sản xuất (gùi, bao dao, ớp, nỏ, khung cửi...) phục vụ du lịch.

Có thể nói, tiềm năng du lịch ở Tân Sơn là rất lớn, tuy nhiên, bên cạnh sự định hướng của chính quyền, khu vực này muốn tạo đột phá thì cần có sự tham gia của những nhà đầu tư, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về du lịch cộng đồng.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-trien-du-lich-cong-dong-o-tan-son-214367.htm