Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên tự hào là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em (83% đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì...). Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, là tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng giúp xóa đói giảm nghèo (Ảnh minh họa)

Vùng đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên là vùng đất có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm, Thẩm Púa, Khó Chua La, Pê Răng Ky; đèo Pha Đin; cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải; suối khoáng nóng và các hồ Pá Khoang, Pe Luông...

Không chỉ vậy, vùng đất nơi đây còn hấp dẫn các du khách bởi những nét đặc trưng văn hóa dân gian truyền thống cùng các món đặc sản ẩm thực vùng cao Tây Bắc. Điện Biên có nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số. Sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc và nhiều lễ hội truyền thống; văn hóa ẩm thực đa dạng, nhiều sản vật nổi tiếng; đồng bào các dân tộc nơi đây thân thiện và rất mến khách… là những lợi thế quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.

Từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã triển khai Đề án tổ chức xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng tại 9 bản gồm: Che Căn, Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, Ten, Mển, U Va, Pe Luông. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng cho các thôn bản có tiềm năng.

Đến nay, sau 20 năm triển khai Đề án, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được đồng bào dân tộc khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng. Để hỗ trợ đồng bào những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thời gian gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung phát triển một số mô hình Homestay nhằm phục vụ khách lưu trú, cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Ðồng thời, đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho nhân dân tại các bản.

Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững mà vùng đồng bào dân tộc và miền núi của tỉnh Điện Biên đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu như Bản Mển của người Thái đen. Trong màu xanh bình yên của núi rừng là những nếp nhà sàn, làm mê hoặc du khách; hay nghề dệt, thêu thổ cẩm với những sản phẩm khăn piêu, túi đeo... Nếu như trước đây, phụ nữ trong bản dệt, thêu thổ cẩm chỉ để dùng trong cho gia đình, nay đã trở thành sản phẩm bán cho khách du lịch.

Nằm cách thành phố Điện Biên chừng 2 km là Bản Ten với khoảng 100 hộ dân. Nghề chính của đồng bào nơi đây là trồng lúa và chăn nuôi, những năm gần đây, với việc phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đội văn nghệ của bản Ten với những bài dân ca Thái như Xòe thương nhau, Người đẹp Mường Ten, Điệu xòe có từ bao giờ. Hay các điệu khèn lá, khèn bè, độc tấu khèn; những điệu xòe, múa sạp do đồng bào trình diễn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Du lịch văn hóa tại bản Phiêng Lơi (Ảnh minh họa)

Du lịch văn hóa tại bản Phiêng Lơi (Ảnh minh họa)

Bản Phiêng Lơi được nhiều khách du lịch biết đến với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Nơi đây thu hút khách du lịch không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hữu tình, mà còn thực sự được đắm mình trong không gian mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái. Đến nay, cả bản đã có 30 hộ dân tham gia loại hình du lịch, trong đó 15 người đã được tập huấn nâng cao nhận thức về loại hình du lịch này. Hình thức du lịch cộng đồng ở bản Phiêng Lơi không những góp phần nâng cao đời sống cho dân bản mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề thủ công…

Qua hơn 20 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Điện Biên, cho thấy du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Mặt khác, phát triển kinh tế du lịch đã trở thành nguồn thu nhập giúp đồng bào dân tộc và miền núi cải thiện cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho các thôn, bản. Trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định mục tiêu tạo đột phá, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

Đỗ Thụy

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-trien-du-lich-cong-dong-tao-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-54640.html