Phát triển du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số

Với những lợi thế sẵn có của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Quảng Ninh đã, đang và sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vốn có và giúp người dân phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.

Góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc

Ngày 21.06.2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161 về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng DTTS: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái); làng người Tày ở thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu); làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn); làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù (xã Húc Động, huyện Bình Liêu).

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các DTTS Quảng Ninh đến với đông đảo du khách/ Nguồn: Q.M.G

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các DTTS Quảng Ninh đến với đông đảo du khách/ Nguồn: Q.M.G

Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hàng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của DTTS (Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ). Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; khơi dậy tinh thần tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người DTTS trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững.

Việc xây dựng, bảo tồn các làng dân tộc này được gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, phát triển kinh tế đa ngành. Bên cạnh đó, phát huy cao nhất sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân và lấy người dân làm trung tâm, nòng cốt và là người được thụ hưởng từ thành quả xây dựng làng dân tộc; khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để hình thành các điểm đến đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch cộng đồng phù hợp.

Khai thác để trở thành sản phẩm du lịch bền vững

Hưởng ứng kế hoạch của tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã định hướng, chủ động phát huy các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch. Điển hình, huyện Vân Đồn đã có kế hoạch xây dựng làng văn hóa DTTS thôn Vòng Tre (xã Bình Dân) theo hướng văn hóa du lịch kết hợp với xây dựng thôn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cả huyện và xã đều xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm 2023, cũng là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, gắn với xây dựng chương trình NTM và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo xã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nội dung của kế hoạch đến cán bộ, Nhân dân; xác định người dân phải là chủ thể, là động lực của chương trình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, lựa chọn cá nhân đam mê làm du lịch dịch vụ, khuyến khích, vận động người dân làm du lịch, dịch vụ về lĩnh vực ẩm thực, văn hóa truyền thống, du lịch trải nghiệm… Ngoài ta, huyện Vân Đồn đề nghị, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã Bình Dân tuyên truyền, vận động nhân dân may trang phục truyền thống cho học sinh, duy trì thứ hai đầu tuần chào cờ mặc trang phục truyền thống…

Với vốn văn hóa dân tộc quý giá, những năm qua, huyện Bình Liêu đã quan tâm gìn giữ, dành nhiều nguồn lực để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác để trở thành sản phẩm du lịch bền vững. Bên cạnh ban hành nhiều chính sách, nghị quyết mang tính định hướng lâu dài, huyện đã khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các DTT; chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các làn điệu hát dân ca truyền thống. Song song với bảo tồn, huyện Bình Liêu đã khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề và các bản làng văn hóa đặc trưng cho các DTTS, trở thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc…

B. Trâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/phat-trien-du-lich-cong-dong-tu-cac-lang-dan-toc-thieu-so-i339914/