Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và nhiều giá trị đặc sắc, những năm qua, huyện Gia Lâm đã không ngừng quan tâm đầu tư tôn tạo, phát triển các điểm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các di tích, lễ hội, làng nghề trên địa bàn.
Kim Lan - điểm du lịch mới
Ngày 15/3/2025, UBND huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định Nghề gốm Kim Lan là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định công nhận Điểm du lịch Kim Lan. Đây là một trong chuỗi những hoạt động của huyện Gia Lâm nhằm hưởng ứng chương trình Du lịch Hà Nội chào 2025 và tôn vinh giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư và TP.
Làng nghề Kim Lan nằm ở phía Tây Nam huyện Gia Lâm, trước ngày 01/01/2025 là 1 trong 22 xã, thị trấn thuộc huyện. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2025, xã Kim Lan và xã Văn Đức sáp nhập thành lập xã Kim Đức.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội công nhận “Điểm du lịch Kim Lan” cho lãnh đạo xã Kim Đức. Ảnh: Hoàng Quyết
Là vùng đất nằm phía Đông Nam kinh thành Thăng Long xưa, ven bờ sông Hồng, có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Theo nghiên cứu của Viện Sử học và Viện Khảo cổ học, nghề gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ thứ VII. Đến thế kỷ VIII, gốm Kim Lan được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm gốm giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô giản dị. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến nay làng nghề gốm sứ Kim Lan, xã Kim Đức có trên 350 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia, mang lại khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương.
Hiện, làng nghề Kim Lan có 17 nghệ nhân, trong đó có 1 nghệ nhân ưu tú và 7 nghệ nhân Hà Nội. Các nghệ nhân làm ra những sản phẩm độc đáo, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, đặc biệt có 3 sản phẩm được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục Guinness cho sản phẩm gốm sứ thủ công lớn nhất, 3 sản phẩm được Viện Sáng tạo độc bản Việt Nam công nhận sản phẩm độc đáo; 25 sản phẩm OCOP 4 sao.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, ngày 23/1/2025, Nghề gốm Kim Lan đã được Bộ VHTT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không chỉ có những giá trị đặc sắc về văn hóa, tinh thần, làng gốm Kim Lan còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: Bảo tàng gốm sứ Kim Lan - là Bảo tàng khảo cổ học đầu tiên của cộng đồng ở Việt Nam, đã được vinh danh tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” ngày 29/8/2013; Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gốm sứ Kim Lan… Ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa đã được UBND TP xếp hạng như miếu Bản; đình, chùa Kim Lan và cảnh quan thơ mộng bên sông Hồng.
Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, đặc biệt là các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, huyện Gia Lâm đã xây dựng hồ sơ Điểm du lịch Kim Lan và được Sở Du lịch Hà Nội thẩm định, đánh giá đủ điều kiện trở thành Điểm du lịch. Ngày 2/8/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận Điểm du lịch Kim Lan. Như vậy tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 6 di sản văn hóa được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 4 điểm du lịch được TP công nhận.
Tiếp tục đầu tư, nhân rộng
Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, huyện Gia Lâm là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử: là quê hương của đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương và đức Thánh Chử Đồng Tử, hai trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trên địa bàn huyện hiện lưu giữ 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và các công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích, trong đó 163 di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia và TP…
Cùng với những giá trị di sản văn hóa vật thể, huyện Gia Lâm còn bảo lưu 100 lễ hội truyền thống là giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, được lưu truyền, gìn giữ bởi cộng đồng qua các thế hệ. Trong đó, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lễ hội đình Chử Xá, xã Văn Đức (nay là xã Kim Đức) và lễ hội Keo, xã Kim Sơn (nay là xã Phú Sơn) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã luôn quan tâm việc đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, trong đó quan tâm đặc biệt tới bảo tồn hệ thống các di tích lịch sử hiện hữu và hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể làm nên hồn cốt của di sản, tạo dấu ấn riêng về mảnh đất Gia Lâm.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm gốm sứ Kim Lan. Ảnh: Hoàng Quyết
Để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa cũng như du lịch cộng đồng, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xác định du lịch sẽ dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã ban hành nghị quyết đại hội Đảng bộ và chỉ đạo xây dựng các đề án về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn; trong đó đối với mảng du lịch, huyện xác định phát triển du lịch làng nghề, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Từ năm 2019 đến nay, huyện Gia Lâm đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và được UBND TP ra quyết định công nhận 4 điểm du lịch, gồm: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá và Kim Lan. Các điểm du lịch này đều là các địa phương có di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội nổi tiếng, cùng với đó là các làng nghề truyền thống đặc sắc, có giá trị lâu đời.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, đối với 5 làng nghề truyền thống và 2 làng nghề Hà Nội trên địa bàn, huyện Gia Lâm xác định du lịch văn hóa - làng nghề là một trong những loại hình du lịch trọng điểm của địa phương.
Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm xác định tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng các điểm du lịch đã được TP công nhận. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển thêm các điểm du lịch mới phù hợp. Ngoài việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch, huyện Gia Lâm tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, nhằm khai thác hiệu quả các tài nguyên văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Nghề gốm Kim Lan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và làng nghề Kim Lan được công nhận là Điểm du lịch của TP không chỉ là niềm tự hào của cán bộ và Nhân dân Kim Lan (xã Kim Đức) nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung, mà còn là tiền đề, động lực để địa phương khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon.667430.html