Tạo nền móng để xã hội số vận hành hiệu quả

Huế kiến tạo xã hội số với người dân là trung tâm, chủ thể thụ hưởng. Trong hành trình đó, rèn luyện kỹ năng số cho công dân không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là 'chìa khóa' để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

 Nền tảng Hue-S thành công nhờ lấy người dân làm trung tâm

Nền tảng Hue-S thành công nhờ lấy người dân làm trung tâm

Chuyển động từ cơ sở

Không chỉ là những ứng dụng hiện đại hay dữ liệu thông minh, xã hội số ở Huế đang được kiến tạo từ những điều rất giản dị. Đó là một lớp tập huấn ở tổ dân phố, hay sự kiên trì của những “tổ công nghệ cộng đồng” đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn người dân bước đầu làm quen với môi trường số.

Ông Nguyễn Văn Minh (phường Phong Phú, TX. Phong Điền) lần đầu tiên biết đến từ “chuyển đổi số” khi thấy cán bộ phường tới nhà nói về Hue-S. Ban đầu, ông chỉ nghĩ đó là một ứng dụng kiểu như, gọi xe hay tra cứu thời tiết. Nhưng bây giờ, từ Hue-S, ông thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng hay thuận tiện trong việc đi khám bệnh, chữa bệnh. “Lần đầu sử dụng Hue-S tôi cảm thấy khó khăn, tuy nhiên sau nhiều lần được cán bộ phường, đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên đến tận nhà hướng dẫn thì tôi đã thành thạo”, ông Minh chia sẻ.

Bây giờ, chiếc điện thoại của ông Minh như được “thổi hồn” bởi công nghệ. “Mình già rồi, nhưng không thể tụt lại phía sau. Biết cái này vừa đỡ phiền con cháu, vừa thấy mình cũng hiện đại ra”, ông Minh cười hiền.

Không riêng gì ông Minh, nhiều người lớn tuổi cũng đang học dần cách sống cùng công nghệ. Những buổi tập huấn miễn phí ngay tại hội trường tổ dân phố, những lần “cầm tay chỉ việc” từ thành viên tổ công nghệ cộng đồng đã trở thành nhịp sinh hoạt quen thuộc. Bà Đặng Thị Lài (phường Kim Long, quận Phú Xuân) hí hoáy mở ứng dụng Hue-S để xem lại phản ánh về bãi rác tự phát. “Tôi mới gửi phản ánh tuần trước, giờ đã thấy xử lý. Phản ánh của mình đã được lắng nghe”, bà Lài nói.

Trong tiến trình số hóa, chuyển biến của người dân là điều đáng ghi nhận. Ngoài ý thức thay đổi của mỗi người, các tổ công nghệ cộng đồng, đội ngũ chuyển đổi số tại phường, xã… cũng là cầu nối quan trọng giữa công nghệ và đời sống người dân.

Một số phường, xã chủ động mở lớp tập huấn kỹ năng số cho người cao tuổi, lao động phổ thông, tiểu thương… Đây không chỉ là câu chuyện “đưa công nghệ đến với người dân” mà là quá trình chuyển hóa tư duy và hành vi xã hội theo hướng số hóa, cách làm bền vững để kiến tạo xã hội số thực chất.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND phường Phong Hải, TX. Phong Điền bảo rằng, thói quen không dùng tiền mặt đã hình thành trong đại bộ phận người dân địa phương. Ngoài ra, họ cũng đã tiếp cận được với các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Người dân là trung tâm

TP. Huế đang triển khai nhiều chương trình, mô hình cụ thể để hiện thực hóa xã hội số. Trên nền tảng dữ liệu dân cư, Đề án 06 được triển khai đồng bộ, kết nối các dịch vụ hành chính công với dữ liệu cá nhân, giúp người dân dễ dàng tra cứu, đăng ký, xác thực thông tin. Cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng đô thị thông minh, các hệ thống phản ánh hiện trường… đều được thiết kế trực quan, thân thiện, nhằm giảm rào cản công nghệ cho người dân.

Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Bên cạnh thuận lợi, thực tế cũng có nhiều khó khăn, điển hình như, một bộ phận người dân, nhất là vùng ven có tâm lý ngại thay đổi, chưa đủ kỹ năng thao tác, có người sợ sai, sợ lộ thông tin; thiết bị di động thông minh chưa đồng đều…

Theo UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Huế đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động sát thực, trong đó xác định rõ ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, trong trụ cột xã hội số, người dân đóng vai trò trung tâm. Mọi nền tảng công nghệ, mô hình ứng dụng, dữ liệu thông minh đều phải hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn; đồng thời, tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực vào quá trình quản lý xã hội, tổ chức đời sống và phát triển cộng đồng. Chính vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng số cho công dân là yêu cầu bắt buộc, là nền móng để xã hội số vận hành hiệu quả.

“Chúng ta không thể xây dựng một xã hội số nếu công dân không có năng lực tiếp cận, sử dụng và sáng tạo trong môi trường số. Từng tổ dân phố, từng lớp tập huấn nhỏ, từng cán bộ hỗ trợ tận nhà sẽ đưa kỹ năng số trở thành sinh hoạt xã hội chứ không phải điều xa lạ”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Huế đang đi những bước nhỏ nhưng chắc chắn trong hành trình số hóa. Và hành trình đó sẽ chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, dù già hay trẻ đều có thể tự tin bước vào không gian số với một tinh thần chủ động, một kỹ năng đủ dùng, và một niềm tin rằng: Công nghệ là của chính mình.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tao-nen-mong-de-xa-hoi-so-van-hanh-hieu-qua-152883.html