Phát triển hạ tầng cơ sở, tăng sức hút đầu tư

Xác định phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt trong các cụm công nghiệp (CCN) là động lực, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, những năm qua, huyện Thanh Ba đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp (KCN), CCN, dành nhiều quỹ đất để phát triển làng nghề, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách.

CCN Bãi Ba - Đông Thành.

Bám sát chủ trương của tỉnh, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Ba tiếp tục xác định ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỉ trọng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ giai đoạn 2021- 2025, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện, gồm: Tuyến đường giao thông kết nối từ km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba, tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi CCN Bãi Ba qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 413B và đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện.Các tuyến đường huyện, đường xã, đường nông thôn cũng được tập trung phát triển theo quy hoạch kết nối với các tuyến đường tỉnh, đảm bảo phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển các CCN, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt, để các CCN thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huyện tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng thời thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, những năm gần đây, ngành công nghiệp của huyện đã có bước tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của huyện, của tỉnh.

Sản xuất gạch ốp lát cao cấp tại nhà máy sản xuất, kinh doanh tấm thạch anh nhân tạo thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Quanrtz Stone, CCN Bãi Ba - Đông Thành.

Đồng chí Nguyễn Chí Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có ba CCN, gồm: CCN làng nghề phía Nam, CCN Bãi Ba - Đông Thành và CCN Bãi Ba 2 với tổng diện tích 186,74ha. Nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các CCN, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thu gom và xử lý nước thải CCN. Đặc biệt là làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai xây dựng Cụm.

Là CCN đầu tiên của huyện, CCN làng nghề phía Nam (quy mô 36,74ha thuộc địa bàn hai xã: Thanh Hà và Đỗ Sơn) do UBND huyện làm chủ đầu tư, thực hiện quản lý đến nay đã thu hút 11 doanh nghiệp đầu tư dự án, trong đó có tám dự án đang hoạt động ổn định (Nhà máy sản xuất gỗ dán ép cốt tre và hàng sơn mài mỹ nghệ truyền thống của Công ty TNHH LV& Hòn ngọc Viễn Đông; nhà máy sản xuất dây đai, dây thừng, bao bì từ nhựa PP, PE của Công ty TNHH Tjp Vina; nhà xưởng sản xuất bao bì của Công ty TNHH Fabchem Vina; nhà máy KS TECH Phú Thọ; nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PP, PE của Công ty TNHH Fabinno Vina; nhà máy sản xuất vải bạt nhựa của Công ty TNHH Bok Eum Tarp Vina; nhà máy sản xuất hạt nhựa mầu của Công ty TNHH PLASCOM); ba dự án đang thực hiện đầu tư (Nhà máy sản xuất vải bạt của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Trường Thịnh Phú Thọ; nhà máy sản xuất và kinh doanh bao bì, hạt nhựa của Công ty TNHH bao bì Young Woo; nhà máy sản xuất bao bì container của Công ty TNHH Young Kwang Vina). Tổng diện tích đã cho thuê sản xuất là 17,92/21/89ha, tổng vốn đăng ký trên 514 tỉ đồng. Năm 2022, doanh thu toàn Cụm đạt trên 1.200 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy đạt 81,8%, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.

CCN Bãi Ba - Đông Thành (thuộc địa bàn ba xã: Đông Thành, Chí Tiên và Sơn Cương), do Công ty TNHH xây dựng Tự Lập làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 515,44 tỉ đồng. Đến nay Công ty đã thực hiện xong hạ tầng cho doanh nghiệp thuê đất trên diện tích 74,558ha được giao, đồng thời thu hút đầu tư vào cụm tám dự án, trong đó đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định năm dự án với gần 1.000 lao động cùng ba dự án đang đầu tư khác; tổng vốn đăng ký theo quyết định đầu tư gần 3.300 tỉ đồng, đã thực hiện đầu tư trên 862 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy cả cụm đạt 57,23%. Đối với CCN này, cùng với hỗ trợ tối đa về GPMB, UBND huyện đã đầu tư gần 80 tỉ đồng xây dựng hơn 2km đường vào CCN và hệ thống thoát nước thải của CCN.

Đối với CCN Bãi Ba 2 (diện tích 75ha, thuộc địa bàn xã Sơn Cương và xã Chí Tiên), UBND tỉnh giao Công ty TNHH xây dựng Tự Lập đầu tư và quản lý, tổng mức đầu tư 450,5 tỉ đồng, hiện đang trong giai đoạn đền bù, GPMB. Dự kiến sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp trong CCN sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động.

Phát huy hiệu quả sau đầu tư của các tuyến đường giao thông trên địa bàn, đặc biệt là đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang hình thành, huyện Thanh Ba phối hợp cùng các nhà đầu tư triển khai công tác đền bù, GPMB, lập nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Ba (365ha, thuộc địa bàn ba xã: Đại An, Quảng Yên và Đông Lĩnh), trình thẩm định thành lập CCN Quảng Yên (69,42ha), đồng thời xin đề xuất bổ sung CCN Quảng Yên 2 (75ha) và CCN phía Đông Bắc của huyện (75ha) vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài diện tích đã được quy hoạch phát triển khu, CCN, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ưu tiên quỹ đất để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đến đầu tư. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 200 doanh nghiệp, trong đó 58 doanh nghiệp ngoài CCN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Các cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN ngoài CCN này phần lớn hoạt động từ lâu, hiện đang tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động có thu nhập ổn định, mức tăng doanh thu trung bình hàng năm từ 6-8%.

Để “mở đường” cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thiện hạ tầng các khu, CCN; tranh thủ, tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo liên kết giữa các vùng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở lớp dạy nghề TTCN, nâng cao tay nghề cho lao động. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi lựa chọn Thanh Ba là điểm đến đầu tư.

Với những cách làm công khai, minh bạch quy hoạch và định hướng thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự, Thanh Ba đã và đang tạo ra môi trường đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư vào khu, CCN. Đó cũng là “thảm đỏ” mà huyện trao cơ hội cho nhà đầu tư đến với Thanh Ba hoạt động hiệu quả nhiều hơn nữa.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phat-trien-ha-tang-co-so-tang-suc-hut-dau-tu/191157.htm