Phát triển hệ sinh thái ngân hàng số

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trên các mặt, bao gồm chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng khi CĐS phải kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số, hướng tới mục tiêu nâng cao tính an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, đáp ứng yêu cầu từ ngày 1-7 tới, toàn bộ giao dịch chuyển khoản hơn 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay.

Tăng trải nghiệm qua dịch vụ ngân hàng số

Có mặt trên địa bàn tỉnh muộn hơn so với các ngân hàng khác, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chi nhánh Bình Phước hiện quản lý hơn 150.000 khách hàng trên toàn tỉnh. Những năm gần đây lượng khách hàng tăng vọt, nhất là khách hàng sử dụng ứng dụng (app) và số tài khoản của MB. Vì vậy, các nghiệp vụ ngân hàng cũng được số hóa 100% như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền… CĐS ngân hàng giúp khách hàng tận hưởng các tiện ích thông minh, hiện đại hơn.

Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Bình Phước hướng dẫn khách hàng nhận diện phương thức lừa đảo, đảm bảo từ ngày 1-7-2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay

Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Bình Phước hướng dẫn khách hàng nhận diện phương thức lừa đảo, đảm bảo từ ngày 1-7-2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay

Anh Nguyễn Trung Điền ngụ phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài cho biết: “Tôi thấy hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số của MB mang đến nhiều trải nghiệm. Điển hình tôi có thể mở thẻ ngân hàng tại nhà và định danh tài khoản ngân hàng trực tuyến mà không cần đến ngân hàng; gửi tiết kiệm số, vay online, thanh toán các loại hóa đơn… cũng đều rất thuận tiện”.

Thống kê của MB, lượng khách hàng sử dụng app đã tăng gấp 39 lần trong năm qua, 97% khối lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số. CĐS tại MB đang giúp khách hàng được phục vụ 24/7, với chi phí tối ưu nhất. Ông Lê Liên Khoa, Giám đốc MB chi nhánh Bình Phước cho biết: MB không chỉ giới thiệu 1 ứng dụng mà tích hợp hơn 200 mini app vào một ứng dụng và cá nhân hóa hiển thị theo nhu cầu của từng khách hàng. Điều này giúp tăng hiệu quả, minh bạch và bảo đảm an toàn trong giao dịch. Không chỉ có AI (công nghệ trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn) mà MB còn áp dụng nhiều công nghệ khác để tự động hóa các quy trình cung cấp dịch vụ và kiểm soát rủi ro.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Bình Phước sở hữu tệp khách hàng trẻ, ưa chuộng trải nghiệm số mới mẻ với gần 100% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Thời gian qua, Vietcombank đã đồng hành với tỉnh đẩy mạnh CĐS, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

“Chúng tôi luôn có sự thay đổi về giao diện dễ sử dụng, thân thiện với người dùng. Trong đó, cung cấp các dịch vụ thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán bằng mã QR, qua thẻ và đẩy mạnh tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử, mở tài khoản online. Sự đồng nhất trong chiến lược phát triển dựa trên nền tảng công nghệ đã giúp khách hàng của Vietcombank không gặp bất cứ trở ngại nào trong giao dịch xuyên suốt đa kênh từ quầy giao dịch tới các kênh số. Vietcombank đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ thanh toán và công nghệ hội thoại tương tác với khách hàng nhằm từng bước nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động” - ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Bình Phước khẳng định.

Chuyển tiền hơn 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Thời gian qua, không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, tự xưng nhân viên ngân hàng, đại diện cơ quan chức năng để đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm, đường link có mã độc. Sau đó, đối tượng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy tiền trong tài khoản. Vì thế, từ ngày 1-7-2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Hiện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng để thực hiện quy định này.

Nhân viên Vietcombank chi nhánh Bình Phước hướng dẫn khách hàng về quy định xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay từ ngày 1-7

Nhân viên Vietcombank chi nhánh Bình Phước hướng dẫn khách hàng về quy định xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay từ ngày 1-7

Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng Phòng dịch vụ, Vietcombank chi nhánh Bình Phước cho biết: Vietcombank đã triển khai thí điểm 1 tháng, tập huấn cho nhân viên ngân hàng làm quen với việc kết nối, tích hợp ứng dụng VNeID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn khách hàng các bước thực hiện và nhận diện phương thức lừa đảo, đảm bảo triển khai hiệu quả quy định mới vào ngày 1-7 tới.

Xác định đẩy mạnh CĐS là chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, sau thời gian đẩy mạnh CĐS ngành ngân hàng, đến nay đã có hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động và mã QR bình quân qua các năm từ 2017 đến nay đạt hơn 100%/năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 76% cuộc lừa đảo hiện nay nhằm vào tài chính, vì vậy cùng với CĐS, các ngân hàng cần triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Hiện khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng từ xa mà không cần tới quầy giao dịch, nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo định danh và xác thực điện tử. “Việc bắt buộc phải xác thực sinh trắc học trong các giao dịch tài chính giúp tôi yên tâm vì khuôn mặt của mình sẽ khó giả mạo hơn là các phương thức truyền thống như mã OTP hay tin nhắn, mật khẩu” - chị Trương Thị Huệ, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài bộc bạch.

Yếu tố cực kỳ quan trọng trong giao dịch điện tử là sự an toàn, bảo mật và định danh được khách hàng của mình. Vietcombank đang có những chính sách bảo mật cho khách hàng riêng, tuy nhiên, sắp tới khách hàng sẽ có thêm các bước bảo mật bằng xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Công nghệ này sẽ hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Giám đốc Vietcombank chi nhánh Bình Phước
NGUYỄN TẤN PHÁT

Những năm qua, nhiều công ty, doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng dịch vụ, bán lẻ trong tỉnh đã nỗ lực số hóa trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển kinh tế số, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thương mại điện tử. Cùng với những giải pháp công nghệ các ngân hàng đang triển khai, việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID sẽ giúp các ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an. Điều này sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội để phát triển các kênh thanh toán, dịch vụ ngân hàng số, tiêu dùng số an toàn.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/157917/phat-trien-he-sinh-thai-ngan-hang-so