Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em

Thảo luận tại Tổ 2 về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về 'phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em'.

Đại biểu Dương Văn Thăng nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là sự thiếu thống nhất trong pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý về đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có quy định những vấn đề về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, tư pháp người chưa thành niên có những đặc thù mà pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được, nhất là quy định về các đối tượng: người phạm tội chưa thành niên, người bị hại chưa thành niên, người làm chứng chưa thành niên, các tổ chức đại diện cho người chưa thành niên.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, cần quy định theo hướng bảo vệ cân bằng và hợp lý hơn giữa cả ba đối tượng, nhất là đối tượng phạm tội chưa thành niên và bị hại chưa thành niên.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt, đại biểu Lê Thanh Phong tán thành với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 36 dự thảo Luật, gồm: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; và giáo dục tại trường giáo dưỡng.

"Đây là những biện pháp mới có tính chất cộng đồng xã hội cùng tham gia khuyến khích người chưa thành niên phạm tội chấp hành tốt các biện pháp chuyển hướng để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn. 12 biện pháp này cũng phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế đã làm hiện nay, trong áp dụng những biện pháp mới như theo dõi từ xa, quản lý điện tử", đại biểu Lê Thanh Phong nhận định.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quang Khánh

Về biện pháp chuyển hướng “giáo dục tại trường giáo dưỡng”, đại biểu Lê Thanh Phong nhất trí với việc chuyển Điều 96 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thành biện pháp chuyển hướng như trong dự thảo Luật với lý do sẽ sớm kết thúc việc truy trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn đầu khi mới thực hiện hành vi phạm tội thay vì trước đây khi người thành niên mới thực hiện hành vi phạm tội thì chuyển qua cơ quan điều tra xử lý, truy tố rồi mới ra được biện pháp xử lý, giúp rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Theo Tờ trình dự án Luật, về mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần mở rộng các trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng so với quy định của Bộ luật Hình sự để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tán thành với phương án mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, song đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng lưu ý, tại khoản 1 Điều 4 giải thích cụm từ “người chưa thành niên” gồm 9 nhóm đối tượng, nhưng tại các khoản sau của điều này lại chỉ giải thích từ ngữ 5/9 nhóm đối tượng được nêu tại khoản 1. Do đó, đại biểu đề nghị nên giải thích từ ngữ cả 9 nhóm đối tượng được nêu tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/phat-trien-he-thong-tu-phap-than-thien-va-bao-ve-tre-em-i374960/