Phát triển hiệu quả mô hình HTX: 'Đòn bẩy' giảm nghèo ở Hạ Lang
Thời gian gần đây, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã có những bước giảm đáng kể, mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hạ Lang vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Hạ Lang đã giảm từ mức 25% năm 2015 xuống còn 10% năm 2024. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận, cho thấy hiệu quả của các chủ trương, chính sách giảm nghèo được triển khai trên địa bàn.
Động lực từ những hỗ trợ thiết thực
Động lực cho sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình 30a, chương trình 135 đã được triển khai sâu rộng, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thành viên HTX tiếp cận các dịch vụ công và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, chính quyền huyện Hạ Lang đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các giải pháp tập trung vào hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, việc hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Theo báo cáo rà soát vào cuối 2024, huyện Hạ Lang có tổng số 15 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 4 HTX nông nghiệp, 7 HTX sản xuất vật liệu xây dựng - xây dựng, 3 HTX thương mại và 1 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Người dân tại xã Vĩnh Quý nhận hỗ trợ từ trường Bồi dưỡng Cán bộ để phát triển nghề sản xuất đường phên.
Tiêu biểu như HTX Sản xuất Vật liệu Xây dựng Thanh Nhật đã tận dụng tiềm năng về tài nguyên khoáng sản đá vôi tại Hạ Lang để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Dù không đặt trụ sở tại huyện Hạ Lang, nhưng HTX Án Lại, HTX Yên Công, HTX Nông nghiệp Ba Sạch (thành phố Cao Bằng) đang gián tiếp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho không ít người dân huyện Hạ Lang khi đứng ra bao tiêu nông sản (nấm hương, gạo, dong riềng, lợn bản...) để phục vụ chế biến sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nền tảng tạo động lực để người dân hiểu về mô hình HTX và thúc đẩy mô hình này phát triển về sau.
Một trong những điểm nổi bật tại huyện Hạ Lang là dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị đường phên tại xã Vinh Quý. Với dự án này, Trường Bồi dưỡng Cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Hạ Lang tổ tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ chi phí hỗ trợ cho các bà con hộ nghèo, cận nghèo tại xã Vinh Quý để họ có thể tham gia làm đường phên.
Ngoài ra, Trường Bồi dưỡng Cán bộ đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao 32.000 bộ túi xách, bao bì và tem nhãn truy xuất nguồn gốc đường phên; 6.400 kg phân bón hữu cơ cho mía; và nguyên vật liệu (cát, xi măng, gạch) đủ để xây 32 chiếc lò nấu đường cho 32 hộ hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại xã Vinh Quý.
Ngoài việc hỗ trợ phân bón, vật tư, túi xách, bao bì, Trường Bồi dưỡng cán bộ còn tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học tập mô hình phát triển làng nghề trồng mía tại Làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trường cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và kỹ thuật cho các hộ dân trong dự án về "Hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía" và "Marketing thương hiệu sản phẩm",...
Việc triển khai thành công mô hình hỗ trợ đang từng bước góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở các xã nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời đây sẽ là cơ sở để phát triển chuỗi giá trị làm đường phên và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Những mô hình này, dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo của huyện.
Con đường vẫn còn gập ghềnh
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, công tác giảm nghèo ở Hạ Lang vẫn đối mặt với nhiều lực cản không nhỏ.
Trong đó, theo đánh giá của ngành chức năng, tỷ lệ tái nghèo và cận nghèo của huyện vẫn còn cao. Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng số lượng hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt khi gặp các yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường.

Phát triển nghề làm đường phên giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Vì địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí và kỹ năng lao động của người dân còn hạn chế. Đây là một rào cản lớn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm có thu nhập cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của huyện đã được đầu tư nhưng còn chưa đồng bộ. Nhiều vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, gây khó khăn cho người dân, HTX giao thương và phát triển kinh tế.
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo, HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất do thiếu tài sản thế chấp hoặc thủ tục phức. Đi liền với đó là biến đổi khí hậu và các yếu tố khách quan: Các yếu tố như thời tiết cực đoan, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân, đẩy họ trở lại tình trạng khó khăn.
Chú trọng phát triển HTX
Ngoài những khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa hình, một trong những nguyên nhân nữa được ngành chức năng nhận định đó chính là tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả tại huyện còn khá thấp, chỉ chiếm khoảng 30-40%. Các HTX chủ yếu có quy mô nhỏ và gặp khó khăn trong việc huy động vốn, kết nối cung cầu và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và bao trùm ở Hạ Lang, ngoài các chính sách bao trùm, huyện cần phát triển kinh tế đa dạng và bền vững bằng việc tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa.
Việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn thông qua tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời nghiên cứu các giải pháp linh hoạt hơn về tài sản thế chấp cho người nghèo và các HTX là điều cần thiết. Điều này sẽ giúp một số địa phương tự thành lập và phát triển được mô hình HTX, thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc vào mô hình HTX ở huyện kế bên.
Đặc biệt, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, thông tin liên lạc ở các vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, HTX sản xuất và phát triển đời sống. Bởi hiện nay, có những HTX ở Hạ Lang hoạt động cầm chừng là do việc tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu còn khó khăn, từ đó bó hẹp sản xuất kinh doanh, khó nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.