Phát triển HTX du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo

Nhiều HTX do người dân tộc thiểu số (DTTS) làm lãnh đạo đã khéo léo khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, gắn với phát huy những giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo đã tạo sự thu hút riêng của mỗi điểm du lịch cộng đồng ở Sơn La. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo và mở ra hướng phát triển du lịch địa phương.

Đến Sơn La, dễ dàng bắt gặp những HTX của đồng bào DTTS làm du lịch cộng đồng. HTX giống như “ngôi nhà chung”, gắn kết các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch. Sự phát triển của các HTX du lịch đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành kinh tế mũi nhọn này trong khai thác được những tiềm năng ở các vùng nông thôn, miền núi.

Liên kết phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Xã Đông Sang, huyện Mộc Châu có 11 bản với 6 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Dao, Mường, Thổ... Trong đó, hơn 60% là dân tộc Thái. Nơi đây có danh thắng nổi tiếng là khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng – mang đậm nét văn hóa của người Thái và các nếp nhà sàn truyền thống.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm, thì những nét văn hóa đặc sắc đó đã góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch để thu hút du khách đến trải nghiệm.

Mô hình HTX du lịch tại cộng đồng tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La.

Mô hình HTX du lịch tại cộng đồng tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La.

Hiện, toàn xã có 74 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, nhà nghỉ, trong đó có 80% là nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch không chỉ nhờ có cảnh quan đẹp, mà có cả sức hút từ văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, xã còn khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa ẩm thực dân tộc để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Trong đó, nổi bật là Khu du lịch rừng thông bản Áng, với không gian văn hóa dân tộc Thái được phục dựng công phu và nhiều hoạt động mang tính chất quảng bá văn hóa dân tộc.

Xã Đông Sang có Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội của đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Qua nhiều năm, Lễ hội đã được nghiên cứu, phục dựng tái hiện đầy đủ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu tổ chức vào dịp 2/9 và ngày 26/3 hằng năm. Khai thác tiềm năng, lợi thế đó, HTX Du lịch cộng đồng bản Áng đã xây dựng liên kết giữa các thành viên để phục vụ tốt nhu cầu du khách, góp phần nâng cao thu nhập cao cho các thành viên.

Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng bản Áng, cho biết: từ khi thành lập đến nay, HTX đã phát huy vai trò liên kết các thành viên cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng bền vững và là cầu nối giữa các công ty du lịch với người cung cấp dịch vụ trên địa bàn xã; góp phần tạo hướng đi mới cho du lịch bản Áng bài bản, chuyên nghiệp, mang bản sắc riêng. Các thành viên HTX cùng hỗ trợ nhau trong đầu tư cơ sở vật chất, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch, kỹ năng giao tiếp... tất cả hướng đến mục tiêu quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng bản Áng đến với du khách trong và ngoài nước.

"Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các thành viên HTX đã đầu tư cải tạo khuôn viên nhà nghỉ cộng đồng. Đến nay, các dịch vụ của HTX đều phát triển tốt, thái độ và phong cách phục vụ ngày càng được cải thiện, doanh thu hơn 400 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/hộ/tháng; tạo việc làm cho 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng", Chị Thuận cho hay.

Sản phẩm du lịch của HTX đạt chứng nhận OCOP

Không chỉ ở Mộc Châu, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có nhiều mô hình HTX vùng DTTS làm du lịch giỏi, tạo được công ăn việc làm cho các thành viên và người dân địa phương.

Anh Lường Văn Xiên, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến (huyện Mường La) chia sẻ: Ngọc Chiến có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Năm 2020, tôi đã vận động đoàn viên thanh niên liên kết thành lập HTX, đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà ở, xây dựng thêm khu vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp để phục vụ nghỉ dưỡng. Ngoài ra, HTX xây dựng hành trình du lịch khám phá theo nhu cầu của khách du lịch, cho thuê phương tiện, trang phục dân tộc, nhằm cung cấp đa dạng các dịch vụ cho du khách.

Các thành viên đã được tập huấn về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, kỹ năng nấu ăn, nâng cao chất lượng dịch vụ. HTX đã cải tạo các homestay của bà con thành nơi lưu trú cho khách du lịch; kinh doanh mảng ăn uống chú trọng đến các món ăn truyền thống của dân tộc; khai thác vẻ đẹp thiên nhiên tắm khoáng nóng và thiết kế những tour tuyến trên địa bàn xã Ngọc Chiến để giúp khách tham gia trải nghiệm và khám phá.

Anh Lường Văn Xiên cho biết: HTX được huyện hỗ trợ 280 triệu đồng để lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng, chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện các tiêu chí lĩnh vực du lịch của chương trình OCOP và được công nhận đạt 4 sao, nhiều du khách biết tới HTX nhiều hơn. Từ năm 2022 đến nay, HTX đã đón và phục vụ khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 thành viên, lao động địa phương có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, cho biết: “Những năm trở lại đây, trên cơ sở chiến lược phát triển du lịch của huyện Mường La, xã Ngọc Chiến đã đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ngọc Chiến lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch và lấy du lịch làm kinh tế trọng tâm, mũi nhọn để tạo sinh kế, ổn định đời sống cũng như phát triển kinh tế trong nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh phát triển mô hình HTX du lịch cộng đồng nhằm liên kết bà con đồng bào DTTS trong vùng cùng làm kinh tế.

Vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế vùng DTTS

Có thể thấy, du lịch cộng đồng đang dần trở thành điểm nhấn tại các xã vùng cao Sơn. Từ chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ đủ ăn, những người dân nơi đây dần học cách làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Thành công bước đầu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.

Trong đó HTX trở thành “bà đỡ” trong phát triển du lịch cộng đồng tại Sơn La, đánh dấu sự vươn lên của vùng đất đầy gian khó, tạo hướng đi mới cho du lịch địa phương được chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ đậm bản sắc riêng.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch cộng đồng thông qua việc tham gia các HTX đã giúp nhiều đồng bào DTTS đảm bảo được cuộc sống. Không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa.

Nhìn nhận xu hướng du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển loại hình này, đặc biệt thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX. Điều đó có nghĩa, nhiều đồng bào DTTS được trao cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống của chính mình.

Chia sẻ về phát triển du lịch cộng đồng, ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng 6 bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Gần đây, các dịch vụ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, nhất là ở Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Bắc Yên... với nhiều hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp tham gia, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con vùng đồng bào DTTS.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/phat-trien-htx-du-lich-cong-dong-gan-voi-xoa-doi-giam-ngheo-1092062.html