Phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao: Phải có những giải pháp đột phá
Chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chiều 11/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: VGP)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_207_51453010/030a416c77229e7cc733.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: VGP)
Nghị quyết 57 làm “kim chỉ nam”
Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiếp nối Hội nghị với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và Hội nghị với các ngân hàng thương mại lớn nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Đồng thời, hội nghị triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về KHCN, ĐMST, chuyển đổi số theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ tại Kỳ họp tháng 5. Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần là rất khẩn trương, vừa chạy, vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển”.
Quyết tâm cao độ về hoàn thiện thể chế, chính sách
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng hành của Quốc hội, các Bộ, ngành đã đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho KHCN, ĐMST thông qua các luật như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Thủ đô và các Nghị quyết đặc thù của một số tỉnh, thành phố.
Nhiều văn bản pháp luật về KHCN, chuyển đổi số được ban hành hoặc được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Luật KHCN và ĐMST dự kiến trình Quốc hội tháng 5/2025. Nghị quyết đặc thù của Quốc hội về KHCN, ĐMST dự kiến trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 trong tháng 02/2025.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chiến lược, chương trình, đề án, chỉ thị về phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị định về cơ chế đặc thù cho Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và dự kiến ban hành trong tháng 2/2025. Đặc biệt, Nghị định 182 quy định việc thành lập và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Chính phủ ban hành với nhiều chính sách hỗ trợ đột phá được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có những hạn chế, bất cập cần phải giải quyết để đạt được những thành tựu lớn hơn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thể chế, chính sách, cơ chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn” của phát triển. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về tài chính, ưu đãi thuế, khai thác tài sản công, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ để phục vụ cho phát triển KHCN, ĐMST, thu hút nhân tài còn chưa đổi mới, đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, chưa khuyến khích, thậm chí còn cản trở cho hoạt động KHCN, ĐMST. Cơ chế “thử nghiệm” ở Việt Nam chưa giải phóng được năng lực ĐMST quốc gia. Cơ chế thu hút đầu tư xã hội cho KHCN, ĐMST không còn phù hợp với thực tiễn phát triển. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có các quy định về thuế, vay vốn kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập để thúc đẩy ĐMST.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và đặc biệt là quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Trong đó, KHCN và ĐMST phải có những giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển quan trọng trong năm 2025, góp phần tạo tiền đề, xung lực mới cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm “cởi trói”, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thời gian tới. Trong các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ KH&CN xác định nhiệm vụ hàng đầu, tiên quyết là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về KHCN và ĐMST.
Cạnh đó, Bộ KHCN đang xây dựng Luật KHCN và ĐMST để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá của Đảng, cùng hoàn thiện ba dự án Luật sửa đổi về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và năng lượng nguyên tử, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST trong các ngành, lĩnh vực, dự kiến trình Chính phủ ban hành ngay trong quý I/2025.