Thúc đẩy phát triển kinh tế tại huyện vùng cao xứ Thanh
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều khu vực vùng cao và tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội tại các khu vực này còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cùng chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực thực hiện các giải pháp, từng bước cải thiện đời sống cho người dân tại các vùng này.
Phát triển kinh tế - đòn bẩy để thoát nghèo
Là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bá Thước là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa và 74 huyện nghèo của cả nước.
Nhìn nhận rõ hiện trạng, thời gian qua, huyện Bá Thước đang từng bước vươn lên thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh.
Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Bá Thước đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất theo hướng gia tăng giá trị.
Theo đó huyện tích cực hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững, gắn với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ người dân về vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, các phương thức canh tác công nghệ cao, phá vỡ thế độc canh của các cây trồng, vật nuôi truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân...
Ngoài 2 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận là dệt thổ cẩm, thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) và nghề sản xuất rượu cần, thôn Tân Thành (xã Thành Lâm), huyện Bá Thước còn quan tâm, phát triển thêm nhiều nghề mới...
Nói về hiệu quả của việc phát triển nghề trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết, các làng nghề sau khi được công nhận đều phát huy hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động là người địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn phát triển thêm các ngành nghề nông thôn khác như các nghề cơ khí nhỏ (nghề rèn), dệt may (dệt thổ cẩm), sản xuất đồ gỗ và dịch vụ du lịch cộng đồng.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021-2024, huyện Bá Thước được giao tổng nguồn vốn 423.532 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư 277.219 triệu đồng, vốn sự nghiệp 146.313 triệu đồng. Bằng nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng 16 công trình. Đến nay, 10 công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết toán, 6 công trình đang phê duyệt quyết toán, khi đi vào khai thác sẽ giúp giảm bớt khó khăn về tự nhiên, cơ sở vật chất tại đây.
Bên cạnh đó, huyện đã phê duyệt và tổ chức thực hiện 46 mô hình, dự án sản xuất, trong đó có 5 mô hình trồng cây ăn quả, 41 mô hình chăn nuôi cho 1.332 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số mới thoát nghèo. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Huyện đã phê duyệt cho 2.131 hộ làm nhà, sửa nhà, với tổng kinh phí 76.040 triệu đồng; đã hỗ trợ sửa chữa cho 628 hộ, xây mới cho 821 hộ...
Theo lãnh đạo huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 kết hợp với nguồn lực của địa phương đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện. Kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế địa phương.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước Võ Thị Lý cho biết: Trên địa bàn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tập trung thực hiện tốt chương trình giảm nghèo gắn với các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ chương trình Mặt trận Tổ quốc, huyện cũng đã tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để các đối tượng khó khăn về nhà ở có được những mái ấm nghĩa tình.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hóa các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án, phấn đấu đến năm 2025 Bá Thước sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
“Điều đáng mừng là người dân đã nâng cao ý thức chủ động nỗ lực thoát nghèo, tổ chức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, thu nhập ổn định...” - bà Lý cho biết.
Cần đặc biệt quan tâm đến người dân vùng khó khăn
Những kết quả trong công tác giảm nghèo của huyện Bá Thước cũng chính là nỗ lực chung của tỉnh Thanh Hóa năm vừa qua, khi chính quyền địa phương tiếp tục chú trọng, tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt, sâu sát của chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Năm qua, thu ngân sách ước đạt 56.735 tỷ đồng, đứng thứ bảy cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch tỉnh đề ra và đứng thứ hai cả nước.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm đã giúp quy mô kinh tế Thanh Hóa tính theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực vượt 1,9% kế hoạch; đã tích tụ tập trung đất đai được 6.569 ha, vượt 6,2% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trồng rừng tập trung được 12.400 ha, vượt 24,5% kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 219.700 tấn, vượt 3,1% kế hoạch, tăng 1,9%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch.
Đáng chú ý, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, gắn với việc làm tốt công tác an sinh, chăm lo đời sống cho nhân dân nên đến nay, công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã giảm được 14.660 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 3,52% năm 2023 giảm xuống còn 2,02% cuối năm 2024.
Trước đó, tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tháng 12/2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.
“Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo” - Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá.
Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn có nhiều khu vực miền núi, vùng biên, điều kiện còn khó khăn, nên số hộ nghèo, hộ dân gặp khó khăn tại tỉnh Thanh Hóa còn cao. Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, cần tiếp tục chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các khu vực miền núi phía Tây - nơi còn nhiều khó khăn theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Bên cạnh việc đảm bảo chăm lo tốt cho đời sống của người dân, các cấp chính quyền cần quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sinh kế để người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn và sự đổi mới, sáng tạo trong cách làm, với mục tiêu cao nhất là mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân” - Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý./.