Phát triển kinh tế nông nghiệp: Lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng

Trước những thách thức của thị trường và yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình phát triển đất nước, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng chủ yếu để thích ứng và phát triển, thực hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh ST

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh ST

Chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp

Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế đối mặt với khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã nỗ lực xoay chuyển tình thế, từ bị động sang chủ động, kịp thời, sáng tạo để vượt qua thử thách, đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành quả chung của nền kinh tế.

Năm 2024, tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 50.772 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD.

“Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) Phùng Đức Tiến cho biết.

Ngành nông nghiệp chuyển hướng tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng. Ảnh: N.Lộc

Ngành nông nghiệp chuyển hướng tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng. Ảnh: N.Lộc

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh những kết quả định lượng, một dấu ấn nổi bật của ngành là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các động lực mới, nâng cao chuỗi giá trị, từ đó cải thiện đời sống nông dân, thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn.

Chỉ rõ thêm về chuyển biến này, GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: Nếu trước đây, nông dân chủ yếu tập trung vào sản lượng và giá trị thu được trên mỗi đơn vị diện tích thì nay, từ chính mảnh ruộng đó, người dân có thể phát triển du lịch nông nghiệp, bán tín chỉ carbon...

“10,3 triệu tín chỉ carbon rừng đã được bán, thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng), hay 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị” - GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNMT) Lê Đức Thịnh cho biết, triển khai định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, các địa phương đã cụ thể hóa thành đề án phát triển với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh sản phẩm.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong sản xuất và chế biến, từ đó xây dựng các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh. Ảnh ST

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong sản xuất và chế biến, từ đó xây dựng các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh. Ảnh ST

Nhấn mạnh xu hướng chuyển đổi từ giá trị đơn thuần sang giá trị đa chiều, PGS,TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho rằng, cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích mô hình canh tác bền vững, gắn kết giữa giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. “Sản xuất nông nghiệp phải được đặt trong tổng thể các ngành kinh tế và đời sống người dân để tạo chuỗi liên kết, tối ưu hóa giá trị trên từng đơn vị diện tích canh tác” - ông Thanh nhấn mạnh.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển

Nhìn lại thành quả thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng ổn định và xu hướng đi lên của ngành nông nghiệp có sự đóng góp quan trọng từ chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Trong bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, các tồn tại cố hữu của ngành - như mô hình sản xuất thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp- đang trở thành rào cản trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Do vậy, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ NNMT Đỗ Đức Duy khẳng định: Muốn thay đổi cục diện, phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận, lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

“KHCN, đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững mà còn là 'thời cơ tốt nhất' để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, trong đó, nông nghiệp phải là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu đã cho ra đời nhiều giống mới với năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh ST

Kết quả nghiên cứu đã cho ra đời nhiều giống mới với năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh ST

Dẫn chứng từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NNMT) cho biết: Nhờ ứng dụng KHCN, nhiều giống lúa mới có khả năng chống chịu điều kiện bất lợi đã được đưa vào canh tác; đặc biệt, các kỹ thuật tiên tiến giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động môi trường... Đây là minh chứng rõ nét về vai trò của KHCN trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp. “Ứng dụng KHCN đang trở thành chìa khóa quyết định thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp” - lãnh đạo Cục khẳng định.

Chuyên gia nông nghiệp, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, ngành cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong sản xuất và chế biến, từ đó xây dựng các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh.

“Với động lực mới từ công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương sẽ có thêm dư địa phát triển, tạo thuận lợi để ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy KHCN làm đòn bẩy” - TS. Thủy cho biết.

Có thể nói, trong thời điểm đất nước đang chuyển mình trước những biến động thời đại, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng là yêu cầu sống còn trước áp lực cạnh tranh và những diễn biến khó lường của thị trường. Trong đó, KHCN và đổi mới sáng tạo cần được xác định là nền tảng, là động lực dẫn dắt công cuộc đổi mới của ngành nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Với phương châm “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”, năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,3-3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64 - 65 tỷ USD.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-lay-khoa-hoc-cong-nghe-lam-nen-tang-41517.html