Phát triển kinh tế từ đặc sản vùng biên ở Lào Cai
Trong những năm qua, nhờ tập trung phát huy tiềm năng, phát triển các nguồn lực tại chỗ nên kinh tế nông nghiệp của các địa phương vùng biên của tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt là sự vào cuộc của các HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản địa phương, giúp giảm nghèo bền vững.
Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo trong cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, khu vực biên giới có 26 xã, phường, thị trấn biên giới (23 xã, 2 phường và 1 thị trấn) thuộc 5 huyện, thành phố; tổng số hộ của các xã biên giới là hơn 19.000 hộ, chiếm 13% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Tại huyện biên giới Mường Khương đang đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản.
Mường Khương cũng đã thành lập được 124 tổ hợp tác, 22 HTX nông nghiệp. Đây là con số đáng khích lệ vì trước đó, tỷ lệ HTX của huyện rất thấp, năm 2018 cũng chỉ có chưa đầy 5 HTX nên việc phát triển sản xuất kinh doanh của người dân rất khó khăn.
Không chỉ các HTX đã phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến, đến nay huyện đã có 64/124 tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, 52/124 tổ hợp tác đã tổ chức ký hợp đồng với HTX, cơ sở chế biến.
Tại mô hình sản xuất của HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương, xã Mường Khương không chỉ trồng rau củ quả mà còn tập trung vào trồng ớt, chế biến ớt. HTX có 150ha ớt nguyên liệu, trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 500 tấn tương ớt, doanh thu trung bình khoảng 14 tỷ đồng.
Đặc biệt từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ được thực hiện theo chuẩn VietGAP, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm ổn định cả đầu vào và đầu ra. HTX kết nối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để mở hướng xuất khẩu. Mô hình sản xuất của HTX đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo khi liên kết trồng ớt cùng HTX. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho trên 50 thành viên.
Hình thành vùng sản xuất hữu cơ
Hay như tại huyện biên giới Bắc Hà cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa HTX quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và HTX cộng đồng Tả Van Chư, HTX Quang Tom…
Anh Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà, xã Bản Liền chia sẻ, từ năm 2004, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít được nhắc tới thì sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền đã có “visa” để đến với người tiêu dùng châu Âu. Đến nay, sản phẩm chè Shan Tuyết hữu cơ chủ yếu xuất sang thị trường khó tính Pháp và Mỹ. Mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng hơn 600 tấn chè tươi, thành phẩm hơn 100 tấn chè khô, 90% xuất sang châu Âu, còn lại cung cấp thị trường trong nước.
Tuy nhiên, để “đặt chân” được vào thị trường khó tính châu Âu, sản phẩm chè của HTX phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và tuân thủ các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm.
Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 600 tấn chè búp tươi. Để đạt được sản lượng này, HTX đã liên kết sản xuất với 310 hộ dân trong bản. Đến nay, có khoảng hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó, hơn 422ha được công nhận chè hữu cơ, trung bình mỗi ha chè có thể đem lại lợi nhuận 80 đến 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Hiện, HTX đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau, giá dao động từ 600 – 700 nghìn đồng/kg, loại đắt nhất là chè sen lên tới 5 triệu đồng/kg. 95% sản lượng chè của HTX được xuất khẩu đến thị trường 40 nước, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Ông Lâm A Tương, người dân tộc Tày ở huyện Bắc Hà, thành viên liên kết của HTX chia sẻ, là người dân tộc thiểu số nên thu nhập của gia đình ông chủ yếu đều từ làm nông. Trước đây chưa có HTX thu mua chè, chúng tôi bán chỉ được 4-5 nghìn đồng/kg, nay HTX thu mua được tới 18 – 20 nghìn đồng/kg nên bà con cũng phấn khởi trồng.
Theo ông Tương, với khoảng 4 ha cây chè, trồng gần 100 gốc, vào vụ mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 20 – 30 cân búp chè tươi. Công chăm sóc không mấy vất vả, khí hậu lại hợp nên chè cho năng suất cao.
Từ ngày là thành viên HTX, ông đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, chè sạch đúng tiêu chuẩn, không sử dụng hóa chất. Vụ này ước tính gia đình ông thu về 30 – 40 triệu đồng. “HTX đã giữ đúng cam kết thu mua giá cao, ổn định suốt 4 năm qua, ai nấy đều tin tưởng HTX và cải tạo, chăm sóc cây chè Shan hữu cơ”, ông Tương cho hay.
Mở hướng làm giàu cho người dân địa phương
Hiện nay bộ mặt nông thôn của các huyện vùng biên của tỉnh Lào Cai đã được thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập tại 26 xã, phường, thị trấn năm 2017 là 16,5 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 30 triệu đồng năm 2022, 100% xã được thực hiện quy hoạch theo tiêu chí NTM, 90% số thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông xi măng đến trung tâm xã.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng biên được cấp ủy, chính quyền các cấp coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 9,6% trở lên; mỗi xã phấn đấu đạt tối thiểu 1 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Lào Cai hiện có 482 HTX, trong đó, 261 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX đang phát huy vai trò là trụ đỡ cho kinh tế hộ, tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các HTX đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, tham gia chương trình OCOP, phát triển vùng hàng hóa đặc hữu. Nhờ đó, những mô hình sản xuất của các hộ gia đình, HTX hàng năm đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
“Các địa phương vùng biên đã xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản đặc trưng như ớt; gạo Séng Cù; quýt; chè Kim Tuyên, Bát Tiên, Ô Long, chè Shan... Mường Khương cũng đang đẩy mạnh kênh du lịch trải nghiệm để thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương”, ông Hoàng Quốc Khánh chia sẻ.