Phát triển kinh tế từ nuôi rắn hổ trâu
Nhiều năm trước đây, chị Hoàng Thị Hồng Thủy, sinh năm 1992, ở thôn 3 Phú Đa, xã Công Lý (huyện Lý Nhân) từng vào Nam ra Bắc làm việc với đủ mọi thứ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện nhiều. Vì vậy, năm 2013, chị Thủy quyết định về quê hương để an cư lạc nghiệp với nghề nuôi rắn. Thời gian đầu, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ người nhà, chị Thủy còn tham khảo trên nhiều sách báo và nhiều kênh thông tin khác nhau. Sau khi đã có cho mình vốn kiến thức kha khá, chị bắt đầu khởi nghiệp nuôi thử hơn 100 con rắn, giống hổ trâu. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, việc làm kinh tế từ nuôi rắn hổ trâu của chị gặp không ít khó khăn khi rắn bị bệnh, chết nhiều. Chán nản, chị thậm chí đã dừng việc chăn nuôi và nghĩ mình không có duyên với công việc này.
Nhưng đến năm 2021, được sự động viên của gia đình, chị Thủy quyết tâm quay lại nghề nuôi rắn. Với số vốn liếng có được, chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại với diện tích 150m2, xây thành từng ô, mỗi ô chị tận dụng ngăn thành 2 hộc, sau đó phủ lớp cát vụn sạch; hệ thống cửa chuồng được ghép thanh gỗ dày từ 1 – 1,5cm, có then cài chắc chắn; đồng thời, mua sắm trang thiết bị cần thiết, như: quạt, tủ đông, quạt phun sương... Ngoài ra, chị Thủy còn vay mượn thêm người thân, bạn bè và được Đoàn xã Công Lý hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ để mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình nuôi rắn hổ trâu với quy mô 600 con của chị Hoàng Thị Hồng Thủy, thôn 3 Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo chị Thủy, rắn hổ trâu là loài sống trên cạn, chúng có nhiều tên gọi khác nhau, như: rắn ráo trâu, rắn hổ vện, hổ rèo, rắn long thừa; trên thân có nhiều hoa văn vằn vện. Loài rắn này có tập tính hiền lành, thức ăn của chúng thường đa dạng, phong phú dễ tìm kiếm, như: ếch, nhái hoặc gà, vịt có chất lượng kém do các lò ấp loại ra… Đây cũng là loài vật dễ nuôi, dễ sinh sản, cho hiệu quả kinh tế cao. Thông thường, khoảng thời gian từ tháng 3 âm lịch, khi thời tiết nắng ấm là thời điểm thích hợp để rắn ăn. Vào thời điểm này, trung bình từ 3 – 5 ngày, chị Thủy sẽ cho rắn ăn một lần; mỗi bữa toàn bộ số rắn sẽ tiêu thụ từ 30 – 50 kg thức ăn. Để tiết kiệm chi phí, mỗi bữa ăn, chị sẽ cho một nửa đàn rắn ăn trước. Sau khoảng một giờ đồng hồ, nếu rắn chưa ăn hết chị sẽ đảo khay và tiếp tục chuyển khẩu phần ăn sang cho những con khác. Sau từ 2- 3 giờ khi rắn ăn, chị Thủy sẽ tiến hành vệ sinh chuồng cho rắn. Nếu chăm sóc tốt, vào mùa nắng nóng, khoảng 25 – 30 ngày, rắn sẽ lột xác, khi ấy, rắn tiêu thụ một lượng thức ăn lớn, vì thế trọng lượng cơ thể tăng nhanh. Từ tháng 9 âm lịch là thời điểm rắn sẽ không ăn và bắt đầu ngủ đông, chị sẽ điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp.
Bên cạnh ưu điểm dễ nuôi, ít bệnh nhưng nếu không chú ý về chế độ ăn uống cùng với việc dọn vệ sinh chuồng trại thường xuyên, rắn dễ mắc các bệnh, nhất là tiêu chảy, khi ấy rất khó có thể chữa trị cho rắn. Thời điểm năm 2023, do thiếu kinh nghiệm trong việc vệ sinh chuồng trại, chị Thủy đã bị thiệt hại mất gần 30 con rắn trưởng thành. Sau này, học hỏi từ những người nuôi trước, sau khi cho rắn ăn và sau mỗi lứa rắn đẻ, chị đã thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi để tránh rủi ro cho con giống.
Rắn hổ trâu thường đẻ 2 lứa/năm vào tháng 5 và tháng 7 âm lịch. Khi rắn đẻ lứa đầu sẽ được từ 10 – 15 quả trứng, từ các lứa sau số lượng trứng sẽ nhiều hơn, dao động từ 15 – 20 quả; trung bình, mỗi lứa chị Thủy thu hoạch khoảng 3.000 – 3.500 trứng rắn để cung ứng ra thị trường. Giá trứng rắn dao động từ 30 – 90 nghìn đồng/quả. Từ 163 con giống ban đầu, đến nay, trại nuôi rắn của chị Thủy đã có 600 con các loại, sau khi trừ các khoản chi phí, chị Thủy có thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng/năm. Cùng với phương pháp nuôi khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý, kỹ thuật nhân giống hiệu quả, mô hình nuôi rắn của chị Thủy đã cho năng suất cao, hạn chế tối đa rủi ro.
Với sự kiên trì, cần cù, chăm chỉ, sự quyết tâm với khát khao vươn lên làm giàu, chị Hoàng Thị Hồng Thủy đã thành công khi tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Bí thư Đoàn xã Công Lý, Đỗ Thị Tươi cho biết: Chị Hoàng Thị Hồng Thủy là một tấm gương điển hình không ngại khổ, không ngại khó, nỗ lực phát triển kinh tế tại địa phương, xứng đáng để đoàn viên, thanh niên học tập noi theo. Trong thời gian tới, Đoàn xã Công Lý sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chị Thủy và các đoàn viên, thanh niên trong toàn xã đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tu-nuoi-ran-ho-trau-155842.html