Phát triển kinh tế vùng nông thôn Hà Nội

Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo động lực giúp kinh tế các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Nội ngày càng phát triển. Ở nhiều địa phương xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho nhân dân.

Chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết: "Đến hết quý III năm 2023, trên địa bàn thành phố có 17/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố cũng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu".

Đáng chú ý, việc xây dựng nông thôn mới đang giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm và cải thiện đời sống người dân thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Đến nay, Hà Nội có 1.216 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Qua đánh giá, các hợp tác xã nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Nhiều hợp tác xã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã đã chú trọng đầu tư thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập; một số hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra sản phẩm cho các hội viên và người dân trên địa bàn. Nhiều hợp tác xã xây dựng đơn giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường nhằm mang lại lợi ích, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, hạn chế việc bỏ ruộng.

Ngoài ra, trên địa bàn cũng xuất hiện những hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Điển hình như sản xuất rau, quả an toàn của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh với quy mô 200 ha, trong đó 10 ha sản xuất theo VietGAP bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 200 triệu-250 triệu đồng/năm. Một phần sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội.

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, huyện Ba Vì xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất lúa, rau, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Nổi bật là vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, diện tích hơn 2.000 ha/2 vụ; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, diện tích trồng 2.500 ha; vùng sản xuất rau an toàn 168 ha tập trung tại các xã Sơn Đà, Chu Minh, Minh Châu...

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có 1.695 trang trại, trong đó 43 trang trại trồng trọt, 1.346 trang trại chăn nuôi, 196 trang trại nuôi trồng thủy sản, 109 trang trại tổng hợp... Thời gian qua, các trang trại đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhất là công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, sản lượng. Đáng chú ý, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại với doanh nghiệp đã được hình thành và ngày càng phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, toàn huyện có 25 trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò. Các trang trại đầu tư chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát, máy cho ăn, vắt sữa tự động cho nên hiệu quả mang lại khá tốt. Các trang trại đã giải quyết việc làm cho 71 lao động, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 4-5 tỷ đồng/năm.

Còn tại huyện Mê Linh, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Văn Khương, trên địa bàn hiện có 17 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tổng hợp. Hầu hết các trang trại đều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc... cho nên bước đầu khẳng định được hiệu quả.

Mặc dù vậy, phát triển kinh tế vùng nông thôn ở Hà Nội hiện nay cũng gặp những khó khăn do chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Hơn nữa, một số hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò, vị trí, còn nhiều hợp tác xã yếu kém hoặc trung bình, tỷ lệ ngừng, tạm ngừng hoạt động là tương đối cao. Ngay tại huyện Đông Anh, hiện nay có 167 hợp tác xã, trong đó 130 hợp tác xã nông nghiệp nhưng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn ít, thiếu bền vững; số lượng hợp tác xã liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa nhiều.

Thời gian tới, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp đối với các hợp tác xã ngừng, tạm ngừng hoạt động bảo đảm hiệu quả; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, đến nay trên địa bàn có 166 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; 68 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 134 hợp tác xã với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo nhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-vung-nong-thon-ha-noi.html