Phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam
Ngày 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Tổng kết Chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
Tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng, ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản bền vững của quốc gia.
Với định hướng từ “Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cường độ khai thác tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh nuôi biển công nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển đến từ Chi cục Thủy sản các tỉnh, các trường đại học, doanh nghiệp, cùng với sự hướng dẫn về phương pháp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp.
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang mô hình công nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức mang tính chiến lược quốc gia.
Việc phát triển nhân lực có kỹ năng, cùng sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là “chìa khóa để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam đạt được những mục tiêu bền vững và cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu”, ông Võ Tân Thành nói.
Nhấn mạnh đến sự quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng, NHO và VCCI đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2004. Chương trình đào tạo cho lĩnh vực nuôi biển và nuôi trồng thủy sản là một kết quả rất thiết thực và kịp thời của sự hợp tác này, hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của cả Na Uy và Việt Nam.
Việc chia sẻ tri thức giữa hai quốc gia không chỉ tạo ra kết quả tốt hơn mà còn củng cố mối quan hệ giữa hai bên. “Dự án đã tận dụng được những kinh nghiệm từ ngành nuôi biển của Na Uy và điều chỉnh phù hợp với Việt Nam nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Thủy sản, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này”, bà Hilde Solbakken cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cách tiếp cận vừa bám sát thực tế, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế của Chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam rất mới mẻ và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Các cơ sở đào tạo hiện nay có quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo cho nên việc chuẩn hóa, cập nhật chương trình đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào các trường, và rất cần các nguồn tài liệu tham khảo. Sản phẩm của chương trình bao gồm quy trình, phương pháp, bộ công cụ và thực tiễn triển khai là nguồn tham khảo rất tốt cho các trường.