Phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia: Kết nối phải đồng bộ, khắc phục các bất cập về quy hoạch

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg nêu rõ sẽ nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có (chiều dài 2.440km).

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt; trong đó đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km.

Quy hoạch 16 ga trên 4 tuyến đường sắt

Liên danh Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển Giao thông vận tải (GTVT-CCTDI) và Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC-JSC) vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế.

Theo tư vấn, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia có tính chất tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, chưa đề cập chi tiết về số lượng, chức năng, vị trí cũng như quy mô quy hoạch các ga trên các tuyến đường sắt.

Nhưng mục tiêu của quy hoạch đặt ra đối với mạng lưới đường sắt quốc gia là phải đủ năng lực đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, gấp 2,3 lần so với hiện trạng năm 2019 và 21,5 triệu khách đối với đường sắt quốc gia, gấp 2,7 lần so với hiện trạng năm 2019.

Do đó, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của quy hoạch mạng lưới đường sắt, ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường sắt, cần thiết phải quy hoạch để tăng năng lực thông qua của các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt là đối với các ga trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế.

Quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia phải ưu tiên tính kết nối.

Quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia phải ưu tiên tính kết nối.

Từ đây, tư vấn đề xuất định hướng quy hoạch 16 ga quan trọng (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng) trên 4 tuyến đường sắt đang hoạt động thường xuyên gồm tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng trên hành lang Bắc - Nam; tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Yên Viên - Lào Cai trên hành lang Đông - Tây.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng quy hoạch 3 ga. Trong đó, ga Đồng Đăng là ga biên giới, liên vận quốc tế, giao tiếp với đường sắt Trung Quốc; ưu tiên chức năng thông quan, sau đó mới đến chức năng xếp dỡ cho hàng hóa của khu vực. Ga Yên Trạch (Lạng Sơn) là ga hỗn hợp có kết nối tuyến nhánh Mai Pha - Na Dương, kết nối với cảng cạn Yên Trạch; trung và dài hạn có thể đảm nhận chức năng ga khách chính thay thế cho ga Lạng Sơn. Ga Kép (Bắc Giang) là ga hỗn hợp, liên vận quốc tế trên tuyến; ưu tiên chức năng lập tàu, xếp dỡ và dịch vụ kho bãi.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng quy hoạch ga Vật Cách (Hải Phòng) là ga hàng hóa, gồm hai khu ga Vật Cách và cảng Vật Cách. Tuyến Hà Nội - Lào Cai quy hoạch 4 ga, trong đó, Hương Canh (Vĩnh Phúc) là ga hỗn hợp, có định hướng kết nối cảng cạn Vĩnh Phúc. Ga Việt Trì (Phú Thọ) là ga hỗn hợp, có định hướng kết nối cảng thủy nội địa Việt Trì. Ga Xuân Giao A (Lào Cai) là ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối khu mỏ Apatit Lào Cai. Ga Lào Cai là ga biên giới, liên vận quốc tế, có giao tiếp với đường sắt Trung Quốc; có chức năng thông quan, lập tàu.

Riêng tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, tư vấn đề xuất quy hoạch 8 ga là ga đầu mối, ga trong đô thị lớn, ga có định hướng quy hoạch kết nối cảng thủy nội địa, cảng biển, thay đổi chức năng. Trong đó, ga Ninh Bình là ga hỗn hợp, có kết nối với cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc và cảng cạn. Ga Khoa Trường (Thanh Hóa) là ga hỗn hợp, có nhánh kết nối với khu kinh tế và cảng Nghi Sơn. Ga Vinh (Nghệ An) là ga hỗn hợp, ưu tiên chức năng chính là ga hành khách trong đô thị, phục vụ du lịch. Ga Đông Hà (Quảng Trị) là ga hỗn hợp, có kết nối với cảng Mỹ Thủy, xem xét khả năng là ga liên vận quốc tế.

Ga Kim Liên là ga hỗn hợp, ưu tiên chức năng ga hàng, có kết nối với cảng Liên Chiểu, xem xét khả năng là ga liên vận quốc tế. Ga Diêu Trì là ga hỗn hợp khách và hàng hóa; là đầu mối giao thông kết nối các trung tâm logistics cấp vùng và tỉnh; xem xét khả năng là ga liên vận quốc tế. Ga Nha Trang là ga hành khách, ưu tiên phục vụ khách du lịch. Ga Tháp Chàm là ga hỗn hợp hành khách và hàng hóa; kết nối, trung chuyển hành khách với tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Đồng thời thực hiện chỉnh bị đầu máy và sửa chữa toa xe.

Trong 16 ga đề xuất quy hoạch, tư vấn cũng đề xuất vị trí, mở rộng quy mô đối với các ga hàng hóa. Trong đó, ga Đồng Đăng quy mô được mở rộng từ hơn 12ha hiện nay lên hơn 22ha nhằm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thông qua đạt 2-2,5 triệu tấn/năm; thêm đường xếp dỡ, bổ sung diện tích bãi hàng, kho ga, đường đón gửi tàu, bố trí đường kết nối rộng hơn vào bãi hàng.

Phải tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia

Liên quan đến quy hoạch mạng lưới đường sắt, mới đây tại buổi họp góp ý báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án chạy tàu chung đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực Hà Nội.

Thứ trưởng yêu cầu tư vấn tiếp tục điều tra, khảo sát thu thập đầy đủ thông tin liên quan; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện đồ án quy hoạch.

Lưu ý phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch ngành quốc gia; khắc phục các bất cập về quy hoạch đầu mối hiện nay; tiết kiệm quỹ đất, phù hợp với quy hoạch địa phương. Đồng thời kết nối đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị và các phương thức vận tải khác, trong đó lưu ý kết nối đường sắt với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics…) trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương. Thứ trưởng cũng giao tư vấn phải tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu đầu vào như: Hiện trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sử dụng đất, GTVT…; quy hoạch sử dụng đất, đô thị, GTVT, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics tại các địa phương liên quan khu đầu mối TP Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng yêu cầu tư vấn xây dựng phương án tổ chức chạy tàu tối ưu cho cho các giai đoạn hình thành mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội, trong đó có việc tổ chức khai thác, tổ chức chạy tàu chung giữa đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia; các tuyến đường sắt vành đai nghiên cứu tổ chức chạy tàu liên vùng. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và có tính mở, đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả các tuyến đường sắt trong khu đầu mối, bao gồm cả kết nối đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/phat-trien-mang-luoi-duong-sat-quoc-gia-ket-noi-phai-dong-bo-khac-phuc-cac-bat-cap-ve-quy-hoach-i705682/