Phát triển nguồn rau sạch từ mối liên kết với nông dân

Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn hàng đúng, đủ theo kế hoạch; qua đó, người nông dân có nguồn thu cố định, yên tâm khi xuống giống. Một doanh nghiệp rau sạch đang phát triển sản xuất đồng thời liên kết hiệu quả với các nông hộ trên đất rau Đơn Dương.

Sản xuất rau tại Công ty Việt Nam Farm Food

Sản xuất rau tại Công ty Việt Nam Farm Food

Việt Nam Farm Food là công ty chuyên sản xuất rau, củ an toàn cung cấp cho thị trường. Farm được đặt trên địa bàn thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, công ty đang canh tác trên diện tích 5 ha, khoảng hơn 10 loại rau, củ, quả các loại. Công ty trồng chủ yếu đảm bảo quy chuẩn VietGAP, một số diện tích canh tác theo hướng hữu cơ. Những loại rau phổ biến của đất rau Đơn Dương như cải, xà lách, bí… doanh nghiệp đều trồng với diện tích không nhỏ. Trong đó, đơn vị này dành hơn 2 ha để trồng su su lấy ngọn. Bạn hàng chủ yếu của Việt Nam Farm Food là các bệnh viện, hệ thống siêu thị Vinmart, vì vậy sản lượng hàng hóa xuất đi hàng ngày yêu cầu ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Trên diện tích 5 ha, dù canh tác năng suất cao tới đâu, Việt Nam Farm Food cũng không đủ hàng cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện liên kết cùng các hộ nông dân trên địa bàn xã Tu Tra với diện tích 35 ha để trồng rau, củ, quả. Công ty ký hợp đồng trồng 24 loại rau, củ, quả khác nhau với các nông hộ. Doanh nghiệp lên kế hoạch trồng và ký hợp đồng thu mua theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm, đưa kế hoạch cụ thể, chi tiết thời gian, số lượng, yêu cầu tiêu chuẩn tới tận tay nông dân.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, thành viên Công ty Việt Nam Farm Food cho biết: “Chỉ doanh nghiệp sản xuất thì sản lượng sẽ không đủ, vì vậy chúng tôi liên kết chặt chẽ với nông dân. Chúng tôi hỗ trợ nông dân thêm khay, cây giống, hạt giống không tính lãi, đến khi thu hoạch mới trả tiền. Công ty chốt kế hoạch sản xuất với nông dân theo năm, theo vụ và thu mua hết cho nông dân đúng thời vụ theo giá hợp đồng”. Dù thời gian vừa qua, do dịch COVID-19 khiến thị trường rau điêu đứng một thời gian vì hệ thống phân phối khó khăn, công ty vẫn đảm bảo thu mua hết 100% sản lượng rau của các nông hộ liên kết trong hợp đồng.

Các loại rau, củ chủ yếu trồng trong farm của doanh nghiệp cũng như liên kết với nông dân là su su ăn ngọn, cà chua, đậu cove, dưa leo, bí ngô, bắp sú…, những loại rau phổ biến của đất rau Tu Tra. Anh Bùi Văn Cao, nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương ký hợp đồng với công ty sản xuất rau theo mùa vụ. Trước mỗi vụ đều có báo giá, được cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, vì vậy anh rất an tâm sản xuất. Anh Cao chia sẻ: “Trồng rau với công ty phải đảm bảo kỹ thuật, theo đúng yêu cầu của công ty. Như chúng tôi phải ghi chép phun thuốc gì, ngày nào, đúng yêu cầu không. Cán bộ của công ty cũng thường xuyên thăm vườn, hướng dẫn thêm các kỹ thuật mà nông dân chúng tôi chưa biết”. Tuy trồng rau theo liên kết với doanh nghiệp yêu cầu nông dân phải thay đổi khá nhiều phương pháp tư duy, cách canh tác truyền thống, nhưng bù lại, người nông dân rất an tâm khi xuống giống trên đồng ruộng. Công ty giao kế hoạch thu mua, người nông dân chỉ cần tính toán để cung cấp đủ lượng nông sản theo hợp đồng, không sợ cảnh “được mùa mất giá”, hàng dội chợ phải bán rẻ, thậm chí cày luôn trên ruộng vì không bán được hàng.

Với sản lượng 1.000 tấn 1 năm, trung bình mỗi tuần Công ty Việt Nam Farm Food thu mua 13 - 15 tấn nông sản cho nông dân, điều này đã giúp hàng chục nông hộ tại Tu Tra - Đơn Dương có một nguồn thu nhập ổn định và an tâm sản xuất. Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm được xem là giải pháp căn cơ giúp các thành phần tham gia chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, tạo nên những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới. Và mối quan hệ này giữa Việt Nam Farm Food với nông dân Tu Tra cho thấy, cùng chia sẻ trách nhiệm - quyền lợi sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/phat-trien-nguon-rau-sach-tu-moi-lien-ket-voi-nong-dan-3092973/