Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nào? (bài 4)

Số tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Sản phẩm rau, củ, quả của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) được bán tại Siêu thị Minh Cầu.

Sản phẩm rau, củ, quả của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) được bán tại Siêu thị Minh Cầu.

Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có trên 10 mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó nổi bật là HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam với Dự án liên kết sản xuất rau củ quả, dưa vân lưới VietGAP theo chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn tại xã Thịnh Đức.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam, cho biết: HTX được thành lập năm 2017, liên kết với Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Thịnh Đức để sản xuất rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới với diện tích 7.500m2. Ngoài ra, chúng tôi còn có hợp đồng thuê đất của các hộ nông dân trong xã để trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ.

Hiện tại, HTX có 29 thành viên và 6 hộ liên kết, tham gia thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn trên diện tích 2,5ha. Đối với các hộ liên kết, trước mỗi mùa vụ, bà con đều được HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật. Sau đó, các hộ sản xuất theo kế hoạch dưới sự giám sát và quản lý của HTX. Các hộ liên kết được hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt nhà lưới, nhà kính, cấp hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất, thu hoạch theo kế hoạch của HTX và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng.

Nhờ ứng dụng các công nghệ cao như trồng trong giá thể, cung cấp dinh dưỡng và nước qua hệ thống tưới nhỏ giọt, các loại rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam đạt chất lượng cao, dễ bán ra thị trường. Bình quân mỗi tháng, HTX và các hộ liên kết sản xuất được trên 20 tấn rau cung cấp cho bếp ăn tại các trường học, doanh nghiệp. Ngoài ra, HTX còn liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho một số mô hình trong và ngoài tỉnh như: HTX Thanh Niên, HTX Bình Minh (Phú Bình); HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa (Đồng Hỷ) và một số HTX tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La…

Tuy nhiên, nói về việc nhân rộng mô hình NNCNC theo chuỗi liên kết, ông Ninh cũng bày tỏ sự băn khoăn: Thực tế là phần lớn nông dân hiện nay đều làm nông nghiệp theo kinh nghiệm cha ông, rất manh mún, nhỏ lẻ. Không chỉ thiếu vốn, họ còn rất thiếu về thông tin thị trường. Vì vậy, khi tham gia liên kết, được hỗ trợ về giống, phân bón, tiêu thụ hàng hóa, bà con chỉ việc sản xuất ra sản phẩm thì họ rất phấn khởi hợp tác. Đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa (Đồng Hỷ), sau khi được chúng tôi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, họ đã mở rộng sản xuất gấp đôi so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, ngay bản thân chúng tôi cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chưa có thị trường bền vững.

Theo ông Ninh, một vấn đề nữa là trình độ sản xuất của người nông dân. NNCNC hoàn toàn khác với cách làm truyền thống. Tất cả quy trình đều phải đầu tư các giải pháp công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất sạch… Chi phí rất tốn kém, muốn tham gia liên kết, người sản xuất phải được đào tạo về trình độ quản trị, năng lực sản xuất, công nghệ và có vốn đầu tư...

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên: TP. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng, hình thành vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng công nghệ cao với diện tích 600ha tại xã Tân Cương; khu vực sản xuất rau, hoa, cây cảnh tập trung rộng 200ha; khu vực sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 100ha. Đặc biệt, hình thành các chuỗi cung ứng, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm 30% trở lên trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của thành phố...

Qua thực tế cho thấy, NNCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… Hiện nay, ngày càng có nhiều HTX, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân sản xuất có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là liên kết sản xuất, tiêu thụ chè, rau, củ quả…

Theo ông Nguyễn Linh, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên: Địa phương có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp NNCNC, thành lập HTX; liên kết nông hộ, HTX với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đầu tàu, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm NNCNC; xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Từ những sự hỗ trợ này, một số cây trồng chủ lực của thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong số đó, cây chè cho doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; các loại cây ăn quả (ổi, táo...) đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm; sản lượng rau đạt 40 nghìn tấn; giá trị thu được từ 1ha đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Ninh cho rằng: Nếu không liên kết thì rất khó mở rộng quy mô sản xuất cả về diện tích, sản lượng và sự đa dạng sản phẩm để phục vụ thị trường. Thực tế tại Thái Nguyên chưa có doanh nghiệp đủ lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực NNCNC.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, gia đình ông Dương Văn Bằng, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng, đã trồng 150 cây nho và tiếp tục trồng thêm 300 cây vào năm 2022.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, gia đình ông Dương Văn Bằng, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng, đã trồng 150 cây nho và tiếp tục trồng thêm 300 cây vào năm 2022.

Thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất NNCNC. Như TP. Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ 40% giá vật tư, thiết bị làm nhà vòm, hệ thống tưới phun tự động, giống cây trồng chất lượng cao; 100% kinh phí cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất cây ăn quả hữu cơ trong 3 năm và hỗ trợ tem điện tử xác thực nguồn gốc hàng hóa.

Về những ứng dụng khoa học công nghệ mới, người dân trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp cận nhanh chóng thông qua các hoạt động của ngành Khuyến nông. Thông tin về chính sách, những sản phẩm công nghệ mới, mô hình tiêu biểu về NNCNC đều được báo chí, truyền thông kịp thời thông tin.

Như vậy, ngoài sự thiếu vắng của “nhà doanh nghiệp” thì các “nhà” còn lại trong “liên kết sáu nhà” gồm: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng và nhà báo đều đã khá “tròn vai”. Tuy nhiên, sự xuất hiện còn mờ nhạt và mối liên kết với các “nhà” còn chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-theo-huong-nao-bai-4-08d0283/