Phát triển nông nghiệp đô thị để tăng sức khỏe cho người dân

Phát triển nông nghiệp đô thị vừa cung cấp thực phẩm sạch, tăng mảng xanh, giảm ô nhiễm đồng thời tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố.

Nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được các chuyên gia nêu ra tại buổi hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”, do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 6-6.

Xu thế nông nghiệp đô thị gắn với du lịch

Giáo sư Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, theo Nghị quyết số 06/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ. Công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, chính vì vậy, không gian cho phát triển nông nghiệp đô thị cũng bị ảnh hưởng.

“Do vậy quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường”- GS Nguyễn Văn Bộ chia sẻ.

 Giáo sư Nguyễn Văn Bộ cho biết nông nghiệp đô thị nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu. Ảnh: QH

Giáo sư Nguyễn Văn Bộ cho biết nông nghiệp đô thị nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu. Ảnh: QH

GS Nguyễn Văn Bộ cho rằng hiện nay, phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng gắn với du lịch là xu thế toàn cầu. Nhất là tại các quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể với đa dạng sản phẩm địa phương OCOP như Việt Nam.

Theo đó, tại các điểm du lịch, ngoài việc giới thiệu về di tích, thắng cảnh, du khách còn có dịp thưởng thức cũng như mua sắm sản phẩm đặc sản nông nghiệp đô thị.

“Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho 4 mục tiêu tốt hơn là: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Hay nói cách khác là nông nghiệp đô thị mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó” - GS.TS Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh.

 Khách du lịch tham quan trang trại trồng dưa lưới tại TP.HCM. Ảnh: THU TRINH

Khách du lịch tham quan trang trại trồng dưa lưới tại TP.HCM. Ảnh: THU TRINH

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, các địa phương nên tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch của TP.HCM để có chính sách phù hợp cho địa phương mình. Hiện tại, TP.HCM mỗi dự án vay tối đa 200 tỉ đồng, mức hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Ba giải pháp cho nông nghiệp đô thị phát triển bền vững

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp cho biết, nông nghiệp đô thị mới được quan tâm phát triển gần đây ở nước ta. Theo đó, các nông trại trong đô thị cung cấp thực phẩm sạch, đồng thời tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí du lịch lành mạnh cho cư dân thành phố.

“Nông nghiệp đô thị được sản xuất và cung ứng tại chỗ, nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua, giúp giảm chi phí tồn trữ. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn, đồng thời góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị”- TS Nghĩa thông tin.

 Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại buổi hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 6-6. Ảnh: QH

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại buổi hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 6-6. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh rất ý nghĩa cho các đô thị gồm hệ thống cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban công, hay các vành đai xanh bao quanh ven đô… là những hình thức và sản phẩm của nông nghiệp đô thị.

Do đó, theo TS Nghĩa, để phát triển nông nghiệp đô thị ở các đô thị lớn cần có 3 giải pháp. Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa, xu hướng di cư của người dân ra các khu vực thành thị.

 Nông nghiệp đô thị giúp giảm ô nhiễm môi trường đô thị hóa, môi trường giáo dục, giải trí du lịch lành mạnh cho cư dân đô thị. Ảnh: QH

Nông nghiệp đô thị giúp giảm ô nhiễm môi trường đô thị hóa, môi trường giáo dục, giải trí du lịch lành mạnh cho cư dân đô thị. Ảnh: QH

Thứ hai, có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Thứ ba, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị. Hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/phat-trien-nong-nghiep-do-thi-de-tang-suc-khoe-cho-nguoi-dan-post794475.html