Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch ở Bá Thước
Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII đã xác định phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và phát triển du lịch là một trong hai chương trình trọng tâm của huyện giai đoạn 2020-2025. Sau 2 năm thực hiện chương trình với sự quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền chương trình đã đạt được những kết quả ấn tượng, tạo đà vững chắc để huyện Bá Thước tự tin phấn đấu vươn lên thành huyện khá của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Xã Thành Lâm ( Bá Thước) phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, gắn xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngân Hà
Đánh thức tiềm năng du lịch
Nhiều năm về trước, ít ai biết đến địa danh thôn Đôn (xã Thành Lâm), Kho Mường (xã Thành Sơn), Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm); các thôn Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại),... nhưng nay những địa danh này đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Đến để được trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên núi rừng, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, huyện Bá Thước.
Giữa tiết trời cuối tháng 5 nắng như đổ lửa, cuối tuần tôi cùng với một số người bạn tránh sự xô bồ, náo nhiệt của thành phố ngược ngàn 3 tiếng đồng hồ lên đến bản Đôn, xã Thành Lâm để tìm một chút bình yên của núi rừng. Đón chúng tôi vào sáng sớm tinh mơ là cái nắng dịu dàng chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang, mang theo những cơn gió mát lành của đại ngàn hùng vĩ mơn man da thịt, ngấm sâu vào tận chân tơ, kẽ tóc. Dang tay hít sâu vào lồng ngực bầu không khí trong lành của đất trời, tôi nhớ lại cách đây khoảng 7 năm về trước lần đầu lên với thôn Đôn - thời điểm thôn Đôn manh nha bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, lúc đấy những con đường đi lại trong thôn nhỏ bé, trơn trượt, một vài hộ dân nắm bắt cơ hội di chuyển vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư các trang thiết bị để đón khách du lịch; cả thôn mới có 1 đến 2 công ty xây dựng các homestay đón khách quốc tế. Vậy mà giờ đây, thôn Đôn như khoác lên mình tấm áo mới với những “ông lớn” vào đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay cao cấp.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Hải Đường, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm, cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã Thành Lâm đã ban hành nghị quyết về việc phát triển du lịch xã Thành Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xã đã và đang tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có của xã, đặc biệt hai cảnh quan ruộng bậc thang, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, nguồn nước suối và hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với lợi ích cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn xã. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đề đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghĩ dưỡng. Tính riêng năm 2022, số lượng khách du lịch đến với xã là 20.150 lượt khách, trong đó có 3.060 lượt khách quốc tế. Từ đầu năm 2023 đến này, xã đón hơn 12.000 khách du lịch, trong đó có 4.216 lượt khách quốc tế.
"Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của xã. Xã đang phấn đấu về đích xã NTM vào năm 2025 và là xã trọng điểm của du lịch huyện” - Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hải Đường nhấn mạnh.
Có thể nói, từ hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng ở Thành Lâm, các xã có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng như Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng... cũng đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ huyện bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch. Theo đó, tập trung các nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi, vận động Nhân dân, các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng như xây dựng thôn, xã NTM.
Gắn với XDNTM
Trao đổi với chúng tôi về kết quả sau 2 năm thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch mà Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII đã đề ra, đồng chí Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước, cho biết: Nhận thức được tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn góp phần quan trọng thực hiện chương trình XDNTM cũng như cụ thể hóa chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 1-7-2021 về phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; HĐND huyện ban hành các nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2022; hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Bá Thước năm 2022, năm 2023.
Khu nghỉ dưỡng Puluong Casa - Bá Thước tổ chức chương trình nhạc nhẹ “Lang thang Puluong" phục vụ du khách nghỉ dưỡng đón chào năm mới 2023.
Thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý phát triển du lịch, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch khu, điểm du lịch; chú trọng đến phát triển nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây sắn, mía nguyên liệu, làm nhà màng, nhà lưới, trồng rau, quả an cho thu nhập cao, đặc biệt là các loại cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt hoi...) là tiềm năng, lợi thế của huyện để tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, huyện đã hình thành các mô hình du lịch tham quan trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như vườn cây ăn quả thôn Kho Mường, xã Thành Sơn; hoạt động dệt thổ cẩm tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm; vườn cây quýt hoi tại thôn Ba, xã Ban Công... Đồng thời, lựa chọn và chỉ đạo các xã có lợi thế về sản xuất rau, củ, quả tiếp tục phát triển diện tích trồng rau, củ, quả đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho các khu du lịch. Hiện, toàn huyện có 5 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 6,2 ha tại các xã Điền Lư, Lương Nội, Thiết Ống, thị trấn Cành Nàng.
Công tác bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống đã được huyện, xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 2 làng nghề truyền thống được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận để phục vụ du lịch (làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm; làng nghề sản xuất rượu cần thôn Tân Thành, xã Thành Lâm) và các nghề truyền thống tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch như nấu rượu siêu men lá. Các sản phẩm nông nghiệp từ các làng nghề truyền thống hướng tới phát triển sản phẩm OCOP sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan. Toàn huyện có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao là mật ong rừng, lạp sườn họ Hoàng, khâu nhục họ Hoàng, trà quýt hoi, vịt Cổ Lũng.
“Thực tế trong các năm gần đây khi ngành du lịch của huyện phát triển, đã hình thành các tour, tuyến du lịch đến tham quan tại làng nghề truyền thống, các sản phẩm dệt thổ cẩm do người dân trong thôn làm ra đã được khách hàng ưa thích và mua làm quà. Sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn Lặn Ngoài đã trở thành hàng hóa phục vụ du khách, bán ở các tỉnh miền núi phía Bắc và được các tiểu thương thu mua để bán sang nước bạn Lào, Thái Lan. Bên cạnh đó, trong các tối giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch không thể thiếu “chỉnh rượu cần” cho du khách lâng lâng trong men say của điệu múa, tiếng hát, tiếng khèn. Từ những trải nghiệm du lịch nêu trên đã góp phần giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn huyện tăng trưởng mạnh trở lại. Trong năm 2022, huyện đã đón được 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Hiện, toàn huyện có 94 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Pù Luông là 74 cơ sở, công suất đón khoảng trên 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch năm 2022 ước khoảng 120 tỷ đồng, qua đó góp phần tạo điều kiện tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Đến nay, toàn huyện có 3 xã, 82 thôn đạt chuẩn NTM; 3 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 thôn NTM gắn với du lịch sinh thái cộng đồng (thôn Kho Mường, xã Thành Sơn; thôn Đôn, xã Thành Lâm; thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm; phố Đoàn, xã Lũng Niêm)” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Thị Hoa chia sẻ.