Phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững - nhìn từ Hải Lăng

Đầu năm 2025, chúng tôi có dịp về cảng Mỹ Thủy. Trước khi đến với miền cát trắng nhiều hứa hẹn bứt phá trong tương lai gần, con đường huyết mạch trải nhựa phẳng lỳ đưa chúng tôi đi qua những làng quê yên ả nằm lọt giữa bao la đồng lúa đang vào vụ. Những thửa ruộng càng gần thị trấn Diên Sanh, lúa bắt đầu bén chân, lấm tấm dệt nên thảm xanh mát mắt. Những thửa ruộng càng dần về phía biển, nước còn khỏa lấp, diệu vợi như khung cảnh của một 'Đồng Tháp Mười' thu nhỏ. Chúng tôi chợt hiểu, để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững từ điều kiện tự nhiên đặc thù như vậy, người Hải Lăng phải có cách làm mới, cách làm khác với các nơi khác.

Gạo hữu cơ Diên Sanh, huyện Hải Lăng được người tiêu dùng đón nhận -Ảnh: Đ.T

Gạo hữu cơ Diên Sanh, huyện Hải Lăng được người tiêu dùng đón nhận -Ảnh: Đ.T

Tạo lập bước phát triển từ trong gian khó

Cách đây 50 năm, đúng 18 giờ 30 phút ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng- huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Có dịp trò chuyện với những bậc lão thành cách mạng, những đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, chúng tôi hình dung ra một Hải Lăng tiêu điều khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm đằng đẵng.

Kinh tế toàn huyện thời bấy giờ hết sức yếu kém. Cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có gì. Nông nghiệp đang tồn tại tình trạng độc canh cây lúa, tự cung, tự cấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, hệ thống thủy lợi chưa có, nông cụ thô sơ, trình độ, kỹ năng lao động của người dân còn thấp kém.

Bên cạnh đó, phần lớn ruộng đất bị hoang hóa, bom mìn còn sót lại dày đặc, đời sống Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề lương thực. Gần 10 vạn dân, bao gồm một bộ phận sơ tán ra vùng giải phóng Gio Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Bình từ năm 1972 trở về quê hương, một số dân từ miền Nam trở về quê, cuộc sống đều hết sức gian nan. Hầu hết đồng bào không có nhà cửa, ruộng vườn hoang hóa, lương thực và một số thực phẩm thiết yếu đều dựa vào sự cứu trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ huyện Hải Lăng đã lãnh đạo Nhân dân xác định: Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương, phải gấp rút tiến hành quy hoạch lại 13.000 ha ruộng đất có khả năng canh tác các loại cây nông nghiệp ở đồng bằng, chiếm 26% diện tích đất tự nhiên. Diện tích trồng được lúa hai vụ và hơn 3.000 ha đất trồng các loại cây nông nghiệp được đưa ngay vào sản xuất. Đến cuối năm 1975, toàn huyện khai hoang, phục hóa thêm được 9.500 ha ruộng, đưa diện tích canh tác lên trên 16.300 ha trong vụ đông xuân 1975-1976.

Thời gian này, huyện tập trung nguồn vốn và nhân lực hoàn thành các công trình đê chắn cát ở các xã Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương, trạm bơm Hải Trí, Hải Vĩnh, Hải Sơn, trạm chống úng và khử chua ở Hải Thọ, Hải Thiện, làm mới trạm bơm cầu Hội Yên, Câu Nhi, đập Phước Môn, công trình nạo vét sông Vĩnh Định, hói Cựu Hà, đập máng sông Nhùng...đưa vào sử dụng, đáp ứng một phần nguồn nước tưới, tiêu cho hàng ngàn héc ta đất canh tác.

Nhờ những nỗ lực đó, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Năng suất cây lúa bình quân từ 12 tạ/ha năm 1975 đã tăng lên 25 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 31.000 tấn vào năm 1976.

Cùng với đó, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác thủy, hải sản cũng bắt đầu được phục hồi, tạo đà phát triển cho những giai đoạn sau này.

Hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Nhắc lại vài nét về tình hình sản xuất nông nghiệp từ 50 năm trước ở Hải Lăng để thấy, bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, Đảng bộ và Nhân dân Hải Lăng đều có kế sách, giải pháp để vượt qua và thu được những thành tựu tốt đẹp.

50 năm sau, đứng trước yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện Hải Lăng cũng đã có cách làm sáng tạo vượt trội để đem lại hiệu quả cao.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và điều kiện tự nhiên, huyện Hải Lăng đã triển khai sản xuất nông nghiệp trên cả ba địa bàn chính là kinh tế biển-vùng cát, vùng đồng bằng và vùng gò đồi. Ở vùng đồng bằng, hiện nay trên tổng diện tích gieo trồng cả năm 17.188,5 ha, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 64,67 tạ/ha, nông dân Hải Lăng đã thu được tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 90.300 tấn.

Đặc biệt, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đã đạt 126 triệu đồng/ha. Hải Lăng cũng là huyện đi đầu trong sản xuất lúa chất lượng cao với trên 9.500 ha; diện tích sản xuất cánh đồng lớn gần 1.700 ha. Huyện tiếp tục chú trọng đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp và đã thực hiện liên kết tiêu thụ 467,1 ha.

Trên vùng gò đồi, huyện đã tạo được dấu ấn của sự thay đổi khi tăng cường chỉ đạo phát triển trồng cam tập trung. Đến nay, toàn huyện có 97,8 ha cam tập trung, trong đó có 25 ha có liên kết tiêu thụ, đã được chứng nhận OCOP 3 sao, thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ đang tiếp tục áp dụng phương thức trồng cam theo hướng hữu cơ, thâm canh, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Cùng với cây cam, cây hồ tiêu (30 ha), cây cao su (trên 47 ha) cũng đang đem lại thu nhập cho người dân. Tận dụng điều kiện tự nhiên, người dân trong huyện cũng đã chú trọng đầu tư đưa đàn trâu lên khoảng 936 con, đàn bò gần 4.000 con, trong đó đàn bò lai chiếm tỉ lệ trên 90%. Chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo tính đến tháng 10/2024 đã phối được 1.100 con.

Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển rừng trồng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC; đã cấp chứng chỉ lần 1 FSC 3.242,03 ha, nâng tổng diện tích rừng FSC toàn huyện lên 3.592,6 ha. Trong năm 2024, toàn huyện đã khai thác 2.431,21 ha rừng sản xuất tập trung; sản lượng khai thác gỗ197.392,8 tấn (tương đương 246.7841 m3); sản lượng nhựa thông đạt trên 21,5 tấn. Duy trì lệ che phủ rừng 42,09%.

Hải Lăng có 12 km bờ biển, có lợi thế đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với tổng số tàu thuyền 705 chiếc, trong đó 662 chiếc thuyền máy với tổng công suất 9.120 CV và 143 chiếc thuyền chèo. Sản lượng khai thác hải sản cả năm 2024 đạt khoảng 4.500 tấn, trong đó hải sản có giá trị xuất khẩu là 1.451 tấn.

Trong định hướng của huyện, để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đến năm 2025, Hải Lăng phấn đấu có trên 255 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có hơn 250 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên có liên kết gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Đến năm 2030, có trên 510 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có hơn 500 ha lúa sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đến năm 2030, tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt ít nhất 10% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi của huyện. Cùng với thời gian này, diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, nuôi sinh thái đạt 100%; phát triển 100 ha rừng trồng theo chứng chỉ FSC, rừng nguyên liệu chất lượng cao; có ít nhất 15% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, phát triển kênh bán hàng có hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử...

Nửa thế kỷ trôi qua tính từ ngày huyện Hải Lăng được giải phóng. Từ trong hoang tàn, đổ nát của thời kỳ sau chiến tranh, Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực và giải pháp sát đúng, hiệu quả để từng bước đi lên bằng chính tiềm năng, nội lực của mình.

Bước vào thời kỳ phát triển mới, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực, chủ động và quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, định hướng sản xuất đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản bền vững, tiếp tục khẳng định vai trò ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” đối với nền kinh tế của huyện Hải Lăng.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-trien-nong-nghiep-hieu-qua-va-ben-vung-nhin-tu-hai-lang-191061.htm