Phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới người tiêu dùng
Sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong các lĩnh vực sản xuất phân bón, trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đã tham gia hội thảo phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Đồng Nai năm 2023, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm; do đó phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030; Đồng Nai là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 270 ngàn ha, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng; tuy nhiên phát triển nông nghiệp hữu cơ tại một tỉnh Công nghiệp như Đồng Nai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã xác định vai trò quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm" là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá.
Để thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 25,3 ha được chứng nhận; diện tích này còn rất thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Mục đích của hội thảo lần này là nhằm để nhận diện được những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, định hướng và các giải pháp phát triển sản xuất hữu cơ trong giai đoạn tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Theo đó, tại hội thảo, các nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các sở ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã , tổ hợp tác, Trang trại, hộ sản xuất đã tích cực tham gia nhiều ý kiến trao đổi về nhu cầu sản phẩm hữu cơ, những điều kiện cần thiết để sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, những khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đáng chú ý tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hùng, chuyên gia thuộc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp-Phân viên Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã mạnh dạn đưa ra giải pháp là cần đẩy mạnh về tuyên truyền, vận động, với mục tiêu là để cả người sản xuất và người tiêu dùng thấy rõ vai trò, ý nghĩa của nông nghiệp hữu cơ ; từ đó, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn để chuyển hướng sang dùng sản phẩm hữu cơ. Người sản xuất cam kết sản xuất đúng chuẩn sản phẩm hữu cơ.
Tham luận tại hội thảo, ông Đinh Hoàng Thiện, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ NHO NHO đã đưa ra các yêu cầu chung của tiêu chuẩn nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp hữu cơ không chỉ bao gồm việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ mà còn là một hệ thống dựa trên đa dạng sinh học, cải tạo dinh dưỡng đất, phát triển bền vững, và hạn chế sử dụng các vật tư nông nghiệp đầu vào.
Về giải pháp, theo ông Thiện vấn đề chỉ đạo, điều hành phải chú ý tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp tỉnh và các huyện cần thành lập tổ chức để quản lý, điều hành và hỗ trợ các hoạt động liên quan đến nông nghiệp hữu cơ.
Tại hội thảo, ông Trần Việt Cường, cố vấn kỹ thuật phân bón con Voi thuộc Công ty Cổ phần-Tổng Công ty Nước-Môi trường Bình Dương đã tham luận về vai trò của phân bón con Voi Bình Dương trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tại Đồng Nai, nhiều mô hình canh tác theo hướng hữu cơ đã cho kết quả tốt như ở huyện Cẩm Mỹ có mô hình sầu riêng hữu cơ của anh Sáu Hiệp xã Xuân Quế, mô hình lúa hữu cơ ở xã Sông Ray hay còn nhiều mô hình canh tác khác hiện đang theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón con Voi Bình Dương.
Hội thảo còn tập trung giới thiệu các mô hình, giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Trong đó đáng chú ý là việc xây dựng chuỗi liên kết; ưu tiên làm các mô hình điểm, các nhân tố mới từ đó nhân rộng hình thành được đội ngũ làm nông nghiệp hữu cơ, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ đột phá tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, phê duyệt đề án và các chương trình hành động phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 25,3ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như tiêu, sầu riêng, rau. Tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Ngoài vùng tập trung, toàn tỉnh xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-huong-toi-nguoi-tieu-dung/314032.html