Phát triển phong trào thể dục - thể thao trong đồng bào dân tộc

Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm, đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao (TDTT) quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) không ngừng chú trọng, duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống, dân tộc. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn giúp bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh An Giang, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 119.219 người dân tộc thiểu số (DTTS), với 28.481 hộ, chiếm 5,26% dân số cả tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh còn có 28 DTTS cùng chung sống hòa thuận. Trong đó có 3 DTTS có dân số khá đông là Khmer, Chăm và Hoa, còn lại là 25 DTTS khác, sinh sống rải rác trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các cấp, ngành luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu nhi ở các xã vùng đồng bào DTTS chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, ngành VH-TT&DL tích cực hỗ trợ chuyên môn thi đấu, khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển phong trào TDTT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của mỗi vùng đồng bào dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, thể chất và tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Ở các huyện có đồng bào DTTS sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ cho tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao thường xuyên. Hệ thống các giải thể thao truyền thống của từng địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các môn thể thao dân tộc, như: đẩy gậy, kéo co, chạy việt dã, đua thuyền, cờ tướng, đội cà ôm lấy nước…

Ngoài ra, vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán hay các sự kiện chính trị quan trọng, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao. Trong đó các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian là những môn không thể thiếu. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Thi đấu bóng chuyền

Nổi bật nhất là Ngày hội VH-TT&DL đồng bào dân tộc Khmer và Chăm được Sở VH-TT&DL phối hợp các địa phương tổ chức luân phiên hàng năm. Đây là hoạt động góp phần giữ gìn và phát huy hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, còn phải kể đến Đại hội TDTT Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, tỉnh. Trong đó các môn thể thao dân tộc trong hệ thống thi đấu toàn quốc như: đẩy gậy, kéo co… được đưa vào thi đấu, không chỉ góp phần duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc mà còn giúp ngành thể thao tuyển chọn được các VĐV năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng đưa đi thi đấu tại các giải, hội thao trong khu vực và cả nước.

Để các môn thể thao dân tộc phát triển, không bị mai một, các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tập luyện và thi đấu thể thao. Đồng thời, tổ chức thi đấu lồng ghép những môn thể thao dân tộc vào các dịp lễ Tết, các kỳ Đại hội TDTT do địa phương tổ chức, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào DTTS có dịp giao lưu, thi đấu. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/phat-trien-phong-trao-the-duc-the-thao-trong-dong-bao-dan-toc-a257430.html