Phát triển phương tiện công cộng: điều kiện tiên quyết cho giao thông Hà Nội

Để giải quyết vấn đề ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông ở Hà Nội, ngoài việc phát triển hạ tầng, còn phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế từng bước phương tiện giao thông cá nhân.

Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi TP phải tập trung thực hiện những giải pháp quyết liệt, toàn diện.

Hạ tầng quá tải

Đại diện Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô đang phải gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện. Ngoài ra, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau.

Phương tiện đông, nhưng thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch.

Xe buýt BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Xe buýt BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.

Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và DN còn hạn chế…

Trước thực tràng này, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, ngoài việc phát triển hạ tầng cơ sở trong điều kiện có thể, biện pháp quan trọng nhất là phát triển giao thông công cộng, hạn chế từng bước phương tiện giao thông cá nhân.

Theo tính toán của Sở GTVT TP Hà Nội, sử dụng phương tiện giao thông cá nhân chiếm diện tích mặt đường gấp nhiều lần phương tiện giao thông công cộng. Trung bình sử dụng xe buýt chiếm 1,5 - 2m2/người, sử dụng xe máy chiếm 8 - 12m2/người, sử dụng ô tô con chiếm 24 - 26m2/người.

Hà Nội không thể có điều kiện mở những con đường lớn từ 8 - 10 làn xe mỗi bên trong nội đô, vì vậy nhất thiết phải phát triển giao thông công cộng.

Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nhận định, Hà Nội đã tỏ rõ quyết tâm hướng đến mục tiêu phát triển giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Đây là giải pháp rất cần thiết, bởi trong khoảng 7 - 10 năm nữa hạ tầng của TP sẽ không còn chịu nổi áp lực giao thông nếu có tới 10 - 12 triệu phương tiện.

Mặc dù vấn đề hạn chế xe máy khá nhạy cảm. Nhưng theo chuyên gia Vũ Hoàng Chung, đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm lợi ích của chính người dân.

Vấn đề là cơ quan quản lý Nhà nước phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ. Và quan trọng hơn, trước khi triển khai các biện pháp giảm thiểu xe máy cần phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại.

“Rõ ràng là muốn hạn chế xe máy phải có mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển tốt, bao phủ rộng khắp, hoạt động hiệu quả với đường sắt đô thị là xương sống” - chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Ưu tiên tuyệt đối

Hà Nội hiện có hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại nhất Việt Nam với mạng lưới xe buýt dày đặc với 154 tuyến, cùng đó là 2 tuyến tàu điện đang hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn hành khách đi lại mỗi ngày.

UBND TP Hà Nội tiếp tục giao Sở GTVT chủ trì nghiên cứu, lập Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ù tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Cả hai đề án thể hiện quyết tâm của TP trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Mục tiêu của các nghiên cứu là từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và đưa giao thông công cộng là phương tiện đi lại chính, thuận tiện cho người dân.

Trong tương lai, các phương tiện công cộng nói riêng và giao thông nói chung sẽ áp dụng công nghệ nhiều hơn, tạo nên hệ thống giao thông thông minh, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại hơn.

Đô thị trung tâm Hà Nội có dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Do vậy, hệ thống đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông công cộng với yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là cơ sở để tổ chức giao thông. Cũng cần tổ chức đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm để tránh dồn dòng giao thông lưu lượng lớn về một phía và phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hành lang có lưu lượng giao thông lớn-Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Trường

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-phuong-tien-cong-cong-dieu-kien-tien-quyet-cho-giao-thong-ha-noi.html