Phát triển sản phẩm OCOP tiêu Cái Đuốc Nhỏ

Tiêu Cái Đuốc Nhỏ của nông dân xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đạt sản phẩm OCOP 3 sao và từng bước vươn xa trên thị trường.

Ông Huỳnh Văn Tài, ngụ ấp Cái Đuốc Nhỏ, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng thu hoạch tiêu hữu cơ.

Ông Huỳnh Văn Tài, ngụ ấp Cái Đuốc Nhỏ, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng thu hoạch tiêu hữu cơ.

Xuất phát từ mong muốn có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con ăn học, ông Huỳnh Văn Tài - tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp nông dân trồng tiêu thương phẩm ấp Cái Đuốc Nhỏ, xã Ngọc Chúc từ bỏ cây lúa trên vùng đất phèn, tạo dựng vườn tiêu từ hơn 10 năm trước.

“Hồi đó trồng lúa không đủ sống, tôi nghĩ nếu không thay đổi thì chẳng đủ lo cho gia đình. Ban đầu chỉ trồng thử vài luống, rồi số lượng cứ tăng dần, hiện vườn được 3.500 gốc trên diện tích 2ha”, ông Tài kể.

Khi giá tiêu xuống thấp, nhưng ông Tài vẫn kiên trì học hỏi kỹ thuật và chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện vườn của ông kết hợp trồng xen ổi, dừa và nuôi ốc để cải tạo đất, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Tài cho biết: “Tôi và các thành viên trong tổ hội trồng tiêu theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc hóa học, chủ yếu dùng phân hữu cơ và biện pháp sinh học để chăm sóc tiêu”. Nhờ cách làm này, hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ giữ được hương vị đậm đà, thơm tự nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các nghiên cứu cho thấy tiêu đen tự nhiên chứa nhiều chất chống ôxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa và kháng viêm, tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách.

Người dân thu hoạch tiêu tại vườn.

Người dân thu hoạch tiêu tại vườn.

Năm 2024, ông Tài thu hoạch 3,7 tấn tiêu, giá bán dao động từ 180.000-190.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. “Mỗi vụ tôi thuê 15 nhân công, thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày, người hái nhanh có thể được 500.000 đồng/ngày”, ông Tài nói.

Gắn bó với vườn tiêu gần 10 năm, bà Cao Thị Quỳnh Như (xã Ngọc Hòa) cho biết: “Tôi làm cỏ, bón phân, hái tiêu... mỗi ngày được 200.000 đồng. Công việc ổn định, gần nhà, không phải đi làm xa”.

Tổ hội nghề nghiệp trồng tiêu ấp Cái Đuốc Nhỏ thành lập năm 2023, hiện có 10 thành viên, tổng diện tích canh tác 20ha. Các thành viên hỗ trợ nhau kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đầu ra, hướng tới xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ.

Phơi tiêu sau thu hoạch để giữ hương vị tự nhiên.

Phơi tiêu sau thu hoạch để giữ hương vị tự nhiên.

Từ năm 2016, ông Huỳnh Long Kháng, 40 tuổi, trồng 2.500 gốc tiêu trên 10 công đất. Vườn tiêu hiện cho sản lượng 3,5-4 tấn/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. “Có lúc giá tiêu chỉ còn 40.000 đồng/kg, tôi tưởng phải bỏ vườn. Nhưng từ 2024, giá dần ổn định, tôi phấn khởi bám cây tiêu trở lại”, ông Kháng nói.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) tham quan vườn tiêu.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) tham quan vườn tiêu.

Hiện hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ được thương lái thu mua tận vườn, phân phối tại nhiều tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, Bình Phước... Tuy nhiên, đầu ra chưa ổn định, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái.

Ông Võ Văn Tùng, thương lái thu mua tiêu cho biết: “Tiêu Cái Đuốc Nhỏ có vị thơm, cay nồng tự nhiên, ít dùng thuốc nên dễ bán. Người tiêu dùng chuộng tiêu sạch, tiêu hữu cơ nên sản phẩm này rất được ưa chuộng”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Giồng Riềng Trần Hoàng Trọng cho biết: “Hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện vào năm 2023. Chúng tôi đang hỗ trợ tổ hội hoàn thiện mẫu mã, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chúc Nguyễn Thị Hồng Tươi nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định cây tiêu là hướng đi phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân trên vùng đất phèn. Hội Nông dân luôn đồng hành hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật và định hướng sản xuất an toàn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ chính là minh chứng cho sự thay đổi tư duy sản xuất của nông dân xã Ngọc Chúc”.

Năm 2023, xã Ngọc Chúc cấp vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân 20 triệu đồng/hội viên để hỗ trợ tổ hội phát triển mô hình, góp phần giúp người dân an tâm sản xuất.

Hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ, sản phẩm OCOP 3 sao của xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng.

Hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ, sản phẩm OCOP 3 sao của xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng.

Hồ tiêu Cái Đuốc Nhỏ được phân hạng OCOP 3 sao và hành trình vươn ra thị trường, sản phẩm đang khẳng định vị thế mới cho nông sản Giồng Riềng.

Bài và ảnh: BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/phat-trien-san-pham-ocop-tieu-cai-duoc-nho-25991.html