Phát triển song hành thị trường vốn và tín dụng xanh
Sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam gần đây phát triển nhanh chóng cả về số lượng và hình thức tiếp cận khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28. Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.
Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Bên cạnh nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh như từ ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế; để phát triển thị trường tài chính xanh, Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.
Thông tin này được ông Nguyễn Tiến Cường- Phó Tổng biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh tại Tọa đàm Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam do Báo Công Thương tổ chức sáng 27/11, tại Hà Nội
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính đang ngày càng nhận được sự quan tâm ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Thực tế, người tiêu dùng tài chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì phần lớn họ luôn phải đối diện với rất nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính. Trong khi đó, các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nhanh chóng cả về số lượng và hình thức tiếp cận khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cũng như các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho hay, tài chính bền vững đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, khái niệm ESG - khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở một xu hướng mới mà đã trở thành mục tiêu phát triển dài hạn của nhiều ngành, nhất là lĩnh vực ngân hàng.
Đáng lưu ý, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cam kết thực hiện ESG. Những nỗ lực này bắt nguồn từ sự quan tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thể hiện qua hàng loạt chính sách và quy định pháp lý được ban hành. Qua đó, đã tạo nền tảng để các ngân hàng tại Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này đánh dấu một bước tiến lớn so với năm 2017, khi tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 3,5%.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), tín dụng xanh dành cho cá nhân được hiểu là các sản phẩm, dịch vụ tài chính được thiết kế để khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện các hành vi mua sắm, tiêu dùng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Tín dụng xanh có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm về sản xuất, tiêu dùng bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng còn khá mới mẻ tại Việt Nam, do đó cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất xanh, bền vững hơn qua việc thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng là ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng là để thực thi các trách nhiệm được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nói chung và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Tới đây, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định trong Luật cũng như về các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cần thiết dành cho người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ việc nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng cũng như của tổ chức, cá nhân kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi, cần nhiều thời gian và chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội. Do vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mong muốn nhận được sự phối hợp, đề xuất phối hợp từ đa dạng các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm lan tỏa và nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động triển khai.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-song-hanh-thi-truong-von-va-tin-dung-xanh/354728.html