Phát triển thị trường carbon: Cơ hội lớn để Việt Nam hướng tới Net zero

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát triển thị trường carbon không chỉ là xu thế, mà còn là cơ hội để Việt Nam hướng tới 'Net zero' và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Phát triển nguồn điện sạch từ năng lượng gió. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Phát triển nguồn điện sạch từ năng lượng gió. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhấn mạnh phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi công nghệ giảm phát thải để hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là việc Việt Nam “dù tốn kém cũng phải triển khai” nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới.

Không chuyển đổi sẽ tụt hậu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Bùi Đức Hiếu, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hiện đang rất sôi động. Việc phát triển thị trường này không chỉ là xu thế Xanh, mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Đối với Việt Nam, ông Hiếu nhấn mạnh là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có "độ mở" cao, nếu áp dụng sớm thị trường sẽ đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải. Việc này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, khiến doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ; cũng như xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành và làm chủ các công nghệ, máy móc mới.

“Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng ta vẫn phải làm, phải chuyển đổi, bởi nếu không, chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới,” ông Hiếu nêu quan điểm.

Phân tích cụ thể hơn về thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Hiếu cho hay về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải; trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ sự sống trước tác động của biến đổi khí hậu.

“Tham gia thị trường carbon, tài chính Xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm,” ông Hiếu phân tích thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ, qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận. Ví dụ như Tesla năm 2022 bán tín chỉ carbon thu về 1,78 tỷ USD (chiếm 10% tổng lợi nhuận Tesla trong năm đó).

 Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Có chung quan điểm, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Tăng Thế Cường cũng nhấn mạnh việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp.

“Đây cũng là cơ hội, động lực để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới,” ông Cường nêu quan điểm.

Trước đó, tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 23/11, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng khẳng định quan điểm trong các công cụ hướng tới mục tiêu chuyển đổi Xanh, phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ quan trọng.

Tuy vậy, ông Vũ cũng lưu ý việc phát triển thị trường carbon không phải là dễ dàng, từ chiến lược, chính sách đi vào cuộc sống là khoảng cách dài, nhất là với các nước đang phát triển chưa có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh một cách đồng bộ và thống nhất. Mặt khác, định giá carbon sẽ tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và mô hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Chính thức vận hành thị trường carbon từ năm 2028

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng để đẩy nhanh tiến trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phát huy vai trò điều phối, tiên phong, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng các khung quan hệ hợp tác Xanh với các đối tác quan trọng, có tiềm năng, trong đó có các nội dung hợp tác về thị trường carbon.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang, cho hay các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng, Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản từ năm 2013…

Hiện nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới đồng thời là 1 trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

 Triển khai thị trường carbon tại Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Triển khai thị trường carbon tại Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam” (VN-PMR) với mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng, hình thành công cụ thị trường, xây dựng lộ trình tham gia thị trường carbon trong nước và thế giới.

Tiếp nối các kết quả của dự án VN-PMR, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai dự án “Triển khai thị trường carbon tại Việt Nam” để có thể thiết kế và triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo lộ trình đã quy định.

Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Quang, để thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, nhiệm vụ đặt ra là cần xây dựng quy định về quản lý, kinh doanh tín chỉ carbon; thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon; xây dựng danh mục hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính khuyến khích trao đổi tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế; đàm phán, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế để trao đổi tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

“Cùng với đó, Việt Nam cần chuẩn bị nhân lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện cần thiết để vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, tuyên truyền đúng, đủ về phát triển thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ,” ông Quang nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-thi-truong-carbon-co-hoi-lon-de-viet-nam-huong-toi-net-zero-post910869.vnp