Phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô từ những giá trị bền vững
Xác định tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, chất lượng hấp dẫn không chỉ của khu vực và thế giới...
Giữa bối cảnh phát triển “nóng” cũng như bùng nổ lượng khách quốc tế so với những thập niên trước như hiện nay, có lẽ người “ngoại đạo” ít ai còn nhớ hoặc biết đến khởi thủy của ngành công nghiệp không khói nước nhà, trong đó có du lịch Hà Nội là nền du lịch bao cấp.
Và rồi, trải qua hơn nửa thế kỷ, đặc biệt những năm gần đây Hà Nội đã khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới. Du lịch Thủ đô đã thực sự chui khỏi “kén,” để mỗi ngày cố gắng hoàn thiện mình hơn nhờ những nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến và xây dựng sản phẩm thông qua khai thác giá trị lịch sử, di sản văn hóa và ẩm thực truyền thống… của cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể nói, điểm đến Thủ đô sau một quãng dài “dò dẫm” nay đã dần trưởng thành và tự tin hơn để nhận những giải thưởng do các tổ chức quốc tế vinh danh một cách đầy tự hào. Đặc biệt, những cơ sở pháp lý trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chính là tiền đề cho ngành du lịch xây dựng, phát triển những tour, tuyến đặc trưng, qua đó thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Loạt hai bài “Phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô từ những giá trị bền vững” của Báo điện tử VietnamPlus sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về sự thay đổi diện mạo của du lịch Hà Nội sau 70 năm giải phóng Thủ đô cũng như những kế hoạch hành động của lãnh đạo ngành. Bên cạnh đó, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn thiện đi vào cuộc sống sẽ mang đến những cơ hội mới cũng như thách thức gì cho du lịch Hà Nội?
.
Bài 1: “Cơ hội vàng” định vị thương hiệu cho du lịch Thủ đô
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, du lịch Thủ đô mới thực sự định vị được thương hiệu điểm đến của mình với nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế trong khoảng một thập kỷ trở lại đây.
Xác định được tầm nhìn chiến lược và định hướng dài hạn, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội đã đặt mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, chất lượng hấp dẫn không chỉ của khu vực và thế giới...
Quảng bá sản phẩm từ những giá trị cốt lõi
Những năm gần đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức, kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều lần được xếp hạng là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, bội thu giải thưởng quốc tế như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 (Tổ chức giải thưởng Golf thế giới)…
Đặc biệt, với lợi thế ẩm thực độc đáo mang đậm dấu ấn nghìn năm văn hiến vùng đất Thăng Long, năm 2023 Hà Nội đã có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực danh giá thế giới tuyển chọn (trong đó có ba nhà hàng đạt 1 sao Michelin). Đánh giá này đã góp phần một lần nữa nâng tầm ẩm thực Thủ đô nói riêng cũng như ẩm thực Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới.
Với những ghi nhận của cộng đồng quốc tế, đầu năm 2024, Hà Nội đã giành vị trí dẫn đầu hạng mục “Điểm đến ẩm thực” trên Tripadvisor Travelers' Choice Best of the Best - giải thưởng thường niên được trao dựa trên đánh giá và ý kiến của cộng đồng trong khoảng một năm. Thậm chí, Hà Nội còn “vượt mặt” các điểm đến “nặng ký” khác, bao gồm cả Rome và Florence (Italy), Crete (Hy Lạp), Cusco (Peru).
Nhằm khai thác lợi thế này, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết định hướng phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2030 sẽ là phát triển sản phẩm dịch vụ ẩm đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực cổ truyền...
Với mục tiêu trở thành “Bếp ăn của Thế giới,” nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch ẩm thực, Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ Food Tour giúp du khách có thể tự khám phá, trải nghiệm những món ngon vùng đất Kinh kỳ cũng như có cái nhìn tổng quan về “hệ sinh thái ẩm thực” địa phương.
Bên cạnh đó, để quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, thành phố cũng tổ chức các hoạt động thường niên như: Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt,” quy tụ các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực, giới thiệu các món ngon Hà Nội và cả nước; Lễ hội Du lịch Hà Nội với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”…
“Hà Nội sẽ quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa dựa vào các giá trị nổi bật về di sản, giá trị chân thực về văn hóa truyền thống. Những hình ảnh này sẽ phát trên các kênh truyền thông lớn của thế giới và khu vực. Định kỳ hàng năm, Hà Nội tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn như Lễ hội Áo dài, Lễ hội quà tặng du lịch… để Thủ đô trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa của quốc gia và bạn bè quốc tế,” bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội còn tập trung phát huy giá trị cảnh quan không gian kiến trúc gắn với văn hóa bằng cách xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có như phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận…; phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử kháng chiến; tăng cường xây dựng và quảng bá các sản phẩm mới, trọng tâm là đẩy mạnh văn hóa du lịch gắn với văn hóa nông thôn làng nghề và ẩm thực.
“Điểm chạm của những xúc cảm”
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm Thủ đô bằng các sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm khách hàng cũng như tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, cuối năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực xây dựng và cho ra mắt chuỗi sản phẩm du lịch “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm.”
Hà Nội cũng công bố Quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội, nơi vốn đã trở thành biểu tượng cho lịch sử lâu đời và nền văn hóa Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Theo đó, đã có 16 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội được lựa chọn giới thiệu đến công chúng. Trong đó, nhiều sản phẩm đang khai thác trước đó được giới thiệu tới du khách và cũng có những sản phẩm mới, lần đầu được giới thiệu.
Tiêu biểu nhất phải kể đến: Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai); Tour đêm thăm quan Di tích nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành” (quận Ba Đình); Tour đêm “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa Đạo học;” Tour xe đạp Đêm Thăng Long - Hà Nội…
Trong số đó, vào thời điểm ra mắt năm 2020, Tour đêm Hỏa Lò “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” có thể nói là một trong số ít sản phẩm đã chạm được tới cảm xúc sâu kín của du khách. Không chỉ bởi những câu chuyện có thật trong lịch sử về cuộc đời các nữ anh hùng của cách mạng Việt Nam được tái hiện một cách sinh động và chân thực, mà đặc biệt hơn bởi người dẫn dắt chuyện và các nhân vật diễn xuất đầy biểu cảm ở từng hoạt cảnh lại do chính những cán bộ của Di tích trực tiếp đảm nhiệm.
Họ đã khiến cho nội dung sản phẩm không chỉ thêm sâu sắc mà còn gây bất ngờ và ngạc nhiên cho người xem: ồ, hóa ra cán bộ di tích cũng đa tài như thế. Và họ, dù là diễn viên nghiệp dư nhưng đã kể được câu chuyện chạm đến cảm xúc người xem, lấy đi nước mắt của nhiều người.
Đặc biệt nhất trên hành trình tham quan có lẽ là hoạt cảnh dựa trên câu chuyện có thật về đồng chí Hoàng Thị Ái, vì nhiệm vụ cách mạng đã phải gửi con gái mới vài tháng tuổi đi xa, để rồi sau đó người con ấy chết vì khát sữa; và chồng bà là nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc cũng hy sinh.
Qua diễn xuất và biểu cảm của các cán bộ Di tích, người tham gia trải nghiệm sẽ cảm nhận tận cùng nỗi đau và hy sinh lớn lao của những người vợ, người mẹ thời chiến. Từ đó, thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do ngày hôm nay: “Hòa bình như một nốt nhạc trầm, để lắng lại một thời hoa lửa, lắng lại những khúc ca bi tráng một thời.”
Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá ưu điểm của sản phẩm tour đêm này là đã chạm tới cảm xúc của du khách khi lồng ghép và khắc họa những câu chuyện lịch sử xúc động. Đồng thời, chuỗi 15 sản phẩm du lịch đêm đã mang đến tín hiệu đáng mừng, sự chuyển mình tích cực cho hoạt động du lịch đêm, kinh tế đêm Thủ đô.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp 4.0, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thành phố trong việc triển khai tích cực công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch, thúc đẩy xúc tiến, truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch đêm ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
“Cơ hội vàng” định vị thương hiệu
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm và bản sắc văn hóa vừa phong phú vừa mang đậm dấu ấn riêng, Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Dẫu vậy, để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này thực sự cần những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp.
Chính vì thế, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 đang được kỳ vọng là tiền đề cho ngành du lịch xây dựng, phát triển những tour, tuyến du lịch mang tính đặc thù, qua đó thu hút đông đảo du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình khám phá thế giới của mình.
Với 7 chương, 54 điều, Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô năm 2012, bởi đã cơ bản bám sát tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.
Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy du lịch, trong đó nêu rõ việc tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cho những khu vực, di tích, di sản, công trình. Bởi Hà Nội là nơi quy tụ nhiều trầm tích văn hóa, từ các di tích lịch sử đến lễ hội truyền thống.
Điều 21 của Luật được dành riêng cho nội dung phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Bên cạnh đó, các điều 39, 41, 43 cũng nêu rõ những ưu đãi trong các lĩnh vực này.
Một nội dung đáng chú ý là Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Khu phát triển thương mại, văn hóa được quyết định các khoản thu nhằm đảm bảo nguồn chi cho quản lý, vận hành… Quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch dễ tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô hoạt động.
Có thể nói, những quy định mới bổ sung cho thấy Luật Thủ đô đã tạo được hành lang pháp lý vững chắc hơn cho ngành công nghiệp không khói khai thác các giá trị tài nguyên về văn hóa, cũng như mở ra cơ hội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, và đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia vào các dự án hạ tầng, các khu vui chơi giải trí đang được khuyến khích, hỗ trợ.
Việc khuyến khích tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm giúp du khách có cơ hội trải nghiệm các di sản cũng là cách tạo điều kiện cho các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống của Hà Nội bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo.
Dẫu vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ mang đến một “bức tranh” màu hồng. Bởi thực tế vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình Luật đi vào cuộc sống để phát triển ngành công nghiệp không khói Thủ đô.
Hà Nội phấn đấu năm 2024 thu hút khoảng 25,5 triệu lượt khách (tăng 13,3% so với năm 2023), trong đó bao gồm 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Hà Nội, để các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch, góp phần giúp Ủy ban nhân dân Thành phố đưa ra những chính sách, văn bản pháp lý đúng và trúng nhu cầu của ngành trong việc đầu tư khai thác các tour, tuyến mới.
Trong khi đó, tiến sỹ Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Để nâng cao mặt bằng chất lượng dịch vụ du lịch vẫn còn nhiều hạn chế hiện nay ở Thủ đô, cần đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp du lịch phải phối hợp với các cơ sở đào tạo, trường học để tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và kỹ năng giao tiếp cho nhân viên.”
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu gia tăng cũng như dịch bệnh tràn lan và khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến các hoạt động của ngành du lịch, các chuyên gia nhấn mạnh cần phải có các biện pháp dự phòng và kế hoạch ứng phó linh hoạt để đảm bảo phát triển bền vững.
Không chỉ phải cạnh tranh với các điểm đến trên cả nước, Hà Nội cũng phải đối diện với sự cạnh tranh khốc khiệt của thị trường du lịch toàn cầu. Chính vì thế, Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành là bước đột phá góp phần giúp Hà Nội thêm cơ hội khai thác hết tiềm năng du lịch.
Mở ra nhiều cơ hội, song đi cùng theo đó là rất nhiều thách thức, những chính sách và biện pháp cụ thể trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp không khói Thủ đô có những bước tiến nổi bật hơn, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố./.