Phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Quảng Ninh
Các doanh nghiệp ở Quảng Ninh xác định, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là phải ưu tiên đào tạo con người và tạo dựng ra những sản phẩm giá trị, ý nghĩa cho cộng đồng.
Văn hóa là gốc rễ của một tổ chức, là vũ khí mềm để doanh nghiệp cạnh tranh, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cũng vì lẽ đó mà sau nhiều sóng gió, nhiều công ty đã chú trọng xây dựng và củng cố văn hóa doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển trong một bối cảnh nhiều biến động và khó đoán định.
Thế nhưng, việc này không hề dễ đối với những doanh nghiệp vốn có lực lượng lao động phổ thông chiếm đa số. Không được đào tạo bài bản, xuất phát điểm chỉ đơn thuần là con em nông dân, câu chuyện văn hóa doanh nghiệp với họ là những khái niệm xa vời.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, nhiều công nhân ở quê ra chưa hiểu hết văn hóa trong doanh nghiệp có gì, cái gì là quan trọng nhất. Ngay cả tác phong công nghiệp như chấp hành giờ giấc làm việc cũng chưa được thực hiện tốt.
Trong khi đó, số liệu từ Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh cho thấy, nhu cầu về lao động phổ thông tăng vọt trong thời gian qua, chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với nhân sự tốt nghiệp đại học và trên đại học, cao đẳng, trung cấp hay công nhân kỹ thuật.
Cụ thể, nhu cầu trong sáu tháng đầu năm 2022 là gần 25 nghìn lao động phổ thông, hơn 1,7 nghìn lao động tốt nghiệp đại học trở lên, hơn 3,2 nghìn lao động tốt nghiệp cao đẳng… Quảng Ninh hiện có 25.550 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động đóng trên 15 quận huyện. Hơn nữa, các công ty thường có địa bàn hoạt động trải dài nên nhân sự các cơ sở khó có điều kiện để kết nối, tham gia các chương trình cùng nhau.
Trước thực trạng đó, cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây đã chú trọng các chương trình thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu Quảng Ninh, xây dựng tỉnh trở thành nơi cần đến và đáng sống.
Chính quyền khuyến khích và tạo điều kiện
Nằm trong đề án “Phát triển quan hệ lao động tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”, 12 buổi tuyên truyền xây dựng văn hóa doanh nghiệp, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh tổ chức với sự tham gia của hơn 800 người lao động.
Họ được lắng nghe chuyên gia truyền đạt những nội dung cơ bản về văn hóa ứng xử tại nơi làm việc, ứng dụng các quy tắc ứng xử đúng đắn vào doanh nghiệp để góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Từ đó, góp phần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, tạo động lực để đội ngũ hăng say lao động sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn có các tiết mục văn nghệ mang chủ đề tôn vinh nét đẹp vùng đất, con người Quảng Ninh do chính đoàn viên, công nhân lao động biểu diễn.
Đó là cách Quảng Ninh tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh, xây dựng đời sống tinh thần phong phú và thắt chặt tình đoàn kết giữa các nhân sự của công ty. Cũng là một hình thức mà các doanh nghiệp có thể học hỏi để triển khai trong tổ chức.
Hầu hết người lao động cho biết được giao lưu, nâng cao hiểu biết; được sống trong bầu không khí vô cùng vui vẻ, thân thiện; hiểu hơn về doanh nghiệp, về nơi mình đang làm, về các đồng nghiệp, để thấy mình cần sống văn minh hơn, lịch sự hơn, sẻ chia với doanh nghiệp hơn.
Doanh nghiệp nỗ lực hết mình
Trong suốt quá trình phát triển, mảnh đất mỏ đã được biết đến với tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” – một văn hóa truyền thống của ngành công nghiệp than tỉnh Quảng Ninh, được duy trì và phát huy ngay từ cuộc đình công tháng 11/1936.
Theo lý giải của Quảng Ninh, “kỷ luật” là sự tuân thủ những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội yêu nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” là cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Tinh thần “kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất.
Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kỷ luật và đồng tâm là hai giá trị đang được Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam tuyên truyền mạnh mẽ.
“Chúng tôi khi đi khảo sát thực tế đã xác nhận được ý nghĩa rộng rãi của giá trị đồng tâm thông qua các quỹ tương trợ giúp đỡ nhau hay quỹ xóa đói giảm nghèo trong nội bộ các công ty; việc chăm lo đời sống cho các gia đình thợ lò bị nạn”, ông Giao nói.
Ông cho rằng, việc gìn giữ và phát huy truyền thống "kỷ luật và đồng tâm" của những người thợ mỏ phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đồng thời phải gắn với việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong tiến trình chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh một cách bền vững những năm gần đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đóng vai trò quan trọng để không chỉ đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Quảng Ninh mà còn góp sức tạo hình ảnh và thương hiệu của điểm đến Quảng Ninh an toàn, hấp dẫn và mến khách.
Người viết tiếp giấc mơ của ‘vua tàu thủy’ Bạch Thái Bưởi
Là thương hiệu du lịch sang trọng, những chiếc du thuyền di sản của Tập đoàn Lux Group do doanh nhân Phạm Hà làm “thuyền trưởng” luôn tạo ấn tượng với du khách quốc tế nhờ khắc họa rõ nét dấu ấn của lịch sử, văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong các trải nghiệm du lịch.
Văn hóa người làm chủ quyết định văn hóa của doanh nghiệp quả thực đúng trong trường hợp này. Với tư duy làm những thứ mình yêu thích và yêu thích những thứ mình làm, ông Hà đào tạo và phát triển tư duy cũng như kỹ năng dịch vụ cho nhân viên hướng tới trải nghiệm xuất sắc cho du khách. Khi họ làm việc trong một tổ chức hạnh phúc, họ sẽ lan tỏa sự hạnh phúc đến cho khách hàng.
Kinh doanh trong vùng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nên Tổng công ty Du lịch Sen Á Đông xác định phải có trách nhiệm với di sản. Các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp này đều mang tính cộng đồng cao, tạo sự lan tỏa trong việc nâng cao ý thức lưu giữ văn hóa truyền thống, gìn giữ và bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho chính người dân bản địa.
Các doanh nghiệp ở Quảng Ninh xác định, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là phải ưu tiên đào tạo con người và tạo dựng ra những sản phẩm giá trị, ý nghĩa cho cộng đồng.
Bên cạnh việc hướng đến người lao động thông qua xây dựng nề nếp, thói quen làm việc và sinh hoạt tập thể, văn hóa doanh nghiệp của Công ty CP Gốm Đất Việt còn thể hiện ở việc đầu tư mạnh vào những dòng sản phẩm đậm nét văn hóa như: Ngói lợp truyền thống, ngói cổ phục chế, ngói lợp công trình tâm linh.
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt cho biết, công ty này luôn giữ văn hóa định hướng vào khách hàng như một tôn chỉ, mục đích để người lao động thổi hồn vào từng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm làm đẹp cho những công trình.
Đến nay, họ đã đưa những sản phẩm với niềm tự hào đất sét nung Việt Nam đi đến 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hiện diện tại những công trình nguy nga tráng lệ như: Cung điện Hoàng gia Malaysia, Cung điện Hoàng gia Campuchia, Nhà thờ Bác Hồ ở Thái Lan, Nhà làm việc Tập đoàn Deawoo - Hàn Quốc…